Thông tin này vừa được công bố tại chương trình tư vấn "Hành trình xương khỏe mỗi ngày" do Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM phối hợp với Sandoz Việt Nam tổ chức, nhằm hưởng ứng Ngày Loãng xương thế giới, nâng cao nhận thức phòng bệnh trong cộng đồng.
Theo TS-BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, loãng xương là một bệnh diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng cho đến khi người bệnh bị gãy xương. Ở một số trường hợp, người bệnh bị gãy xương rồi mới biết mình bị loãng xương.
![Căn bệnh khiến nhiều người gãy xương rồi mới biết - Ảnh 1. Căn bệnh khiến nhiều người gãy xương rồi mới biết - Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/698/291774122806476800/2022/10/24/gay-xuong-16666047492601843877115.jpg)
Loãng xương là một bệnh diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng
Tỉ lệ mắc loãng xương với người trên 50 tuổi là từ 6%-8% ở nam giới và từ 20-25% ở nữ giới. Tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc loãng xương càng gia tăng. Ước tính toàn thế giới có trên 500 triệu người bị loãng xương. Ở Việt Nam, con số này khoảng 3, 6 triệu người và đang tăng dần qua các năm.
Ngoài ra, khoảng 25% - 30% phụ nữ độ tuổi mãn kinh bị loãng xương. Đây là đối tượng nguy cơ cao bị loãng xương. Hậu quả của loãng xương là gãy xương. Ở phụ nữ mãn kinh, thiếu hụt estrogen dẫn đến gia tăng hiện tượng mất xương, làm giảm khối lượng xương, đồng thời giảm hấp thu ion canxi ở ruột dẫn đến nguy cơ loãng xương gia tăng rất nhanh.
Bình luận (0)