Sáng nay 17-12, Học viện Quân y đã tiến hành tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Nano Covax trên người tình nguyện. Đây là vắc-xin Covid-19 đầu tiên của nước ta được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người. 3 người đầu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 trong sáng nay 17-12 được chọn trong số 60 tình nguyện viên (tuổi từ 18-50) tham gia thử nghiệm trong giai đoạn 1.
Việt Nam tiêm vắc-xin Covid-19 trên người từ ngày 17-12-2020
Người tình nguyện đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc-xin là nam giới. Trường hợp này được tiêm liều vắc-xin 25 mcg/liều tiêm. Nam thanh niên này sẽ được theo dõi 72 tiếng sau khi tiêm. Ngoài trường hợp này, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tiêm cho 2 trường hợp khác với cùng liều tiêm.
Chuẩn bị tiêm vắc-xin cho người tình nguyện- Ảnh: Ngô Nhung
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) trước đó, Bộ Y tế đã thành lập 3 đoàn giám sát hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu. Trong đó, 1 là đoàn của Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, đoàn 2 của Học viện Quân y và đoàn 3 là của nhà tài trợ thuê tổ chức giám sát độc lập. Ông Quang cho biết để đảm bảo quy trình nghiên cứu, tuân thủ đề cương, phát hiện những vấn đề đối với sự an toàn của người tiêm, số lượng nghiên cứu khách quan, trung thực.
Nhận định về nguy cơ trong tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19, ông Nguyễn Ngô Quang cho biết trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 yếu tố đầu tiên phải là tiêu chí an toàn. Theo đó, tình nguyện viên được tiêm ở liều tối thiểu để đảm bảo an toàn, nếu có những tai biến không mong muốn thì có thể kiểm soát. "Bộ Y tế yêu cầu điều quan trọng nhất là bảo vệ toàn vẹn sức khỏe người tham gia"- ông Quang khẳng định.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế)
Video clip
Để chuẩn bị buổi tiêm thử nghiệm đầu tiên và các giai đoạn thử nghiệm sau đó, Học viện Quân y đã sẵn sàng các thiết bị theo dõi chỉ số sinh học, kết nối các bệnh viện xung quanh. Sau đó, tình nguyện viên sẽ tiếp tục được theo dõi tại địa phương, nơi cư trú trong 56 ngày.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người tình nguyện đầu tiên - Ảnh: Đình Anh
Theo GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, để chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho lần tiêm thử nghiệm, Học viện đã tổ chức diễn tập trong 3 ngày (14 đến 16-12) trước khi tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người để nếu có bất cứ tai biến hay tác dụng phụ nào thì Học viện Quân y cũng sẽ xử lý được. "Dù tỉ lệ không cao nhưng vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tình nguyện viên" - GS Quyết khẳng định và cho hay hệ thống cấp cứu luôn sẵn sàng. Người đến tiêm không vì sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng mà lo sợ.
Nói về khả năng tiếp cận với nguồn vắc-xin Covid-19 trên thế giới, ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định về nguyên tắc nếu vắc-xin đó chưa được Cơ quan quản lý dược Mỹ (FDA) và hay Cơ quan Quản lý dược phẩm Châu Âu phê chuẩn thì bắt buộc phải đánh giá lâm sàng trên người Việt Nam. Nếu vắc-xin được phê chuẩn cũng sẽ được xem xét, cấp phép lưu hành ngay trong trường hợp đại dịch bùng phát.
Nano Covax là vắc-xin được sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp. Ưu điểm lớn nhất của vắc-xin protein tái tổ hợp là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vắc-xin khác (bảo quản 2-8 độ C).
Trong giai đoạn 1, 60 người tình nguyện viên được tiêm thử vắc-xin có độ tuổi từ 18 đến 50 tuổi. Tình nguyện viên phải đảm bảo những tiêu chí về mặt y tế, phải là người khỏe mạnh. Người khỏe mạnh được định nghĩa là những người không mắc các bệnh, kể cả bệnh cấp tính hay bệnh mãn tính. Thứ hai là các chỉ số liên quan đến huyết học và sinh hóa hoàn toàn bình thường.
Dưới đây là một số hình ảnh về người đầu tiêm được tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất:
Bình luận (0)