Thông tin trên được ông Nguyễn Trung Hoan, Giám đốc Kỹ thuật, Công ty Nippon Sanso VietNam JSC (Khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai) công bố tại buổi làm việc với Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế vào ngày 31-7.
Đoàn công tác Tổ Thường trực đặc biệt Bộ Y tế kiểm tra khu vực sản xuất ôxy tại công ty. (Ảnh: HẢI YẾN)
Đoàn công tác kiểm tra khu vực nạp khí tại nhà máy. (Ảnh: HẢI YẾN)
Tại buổi làm việc, ông Hoan cho biết trước đó, Bộ Y tế đã yêu cầu công ty cung cấp ôxy cho 18 bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 tại TP HCM. Qua kiểm tra công ty có thể sản xuất và cung cấp 153 tấn oxy/ ngày cho các bệnh viện này. Tuy nhiên, qua khảo sát, chỉ có 9/18 bệnh viện mới đủ tiêu chuẩn để cung cấp ôxy.
Công ty Nippon Sanso VietNam JSC có 3 nhà máy tại khu vực phía Nam có thể sản xuất được khoảng 274,3 tấn ôxy lỏng/ngày. (Ảnh: HẢI YẾN)
"Khó khăn trong khâu lắp đặt vì hiện nay giàn chứa và giàn phối hơi là những thiết bị cần để lắp đặt tại bệnh viện. Nhưng những thiết bị này hoàn toàn không có ở Việt Nam, đặc biệt là bồn 2 lớp chỉ có thể nhập ở nước ngoài như: Ấn độ, Malaysia, Thái Lan… Hiện công ty đang dựa vào lượng thiết bị có sẵn nên chỉ có thể lắp đặt được cho 9/18 bệnh viện. Nếu chờ thời gian nhập khẩu các thiết bị này từ nước ngoài về thì khá lâu, có thể 6-7 tháng do đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh" - ông Hoan chia sẻ.
Về khả năng lưu trữ ôxy lỏng, hiện công ty có sẵn khoảng 4.000 tấn, đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho công tác điều trị. (Ảnh: HẢI YẾN)
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hiện công ty có 39 nhân viên ở lại sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ nhằm đảm bảo quá trình cung ứng không bị đứt gãy. (Ảnh: HẢI YẾN)
Theo ông Hoan, hiện công ty có 4 nhà máy sản xuất các loại khí công nghiệp và y tế chất lượng cao như ôxy, nitơ, khí trơ, khí trộn... Trong đó, 2 nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai và 1 nhà máy tại Hưng Yên.
"Tại khu vực phía Nam có 3 nhà máy có thể sản xuất được ôxy lỏng với năng lực trung bình khoảng 274,3 tấn/ ngày. Về kKhả năng lưu trữ ôxy lỏng, hiện công ty có sẵn khoảng 4.000 tấn đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho công tác điều trị. Thời gian qua, công ty có cung ứng ôxy lỏng cho Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), Bệnh viện Hậu Giang…" - ông Hoan nói.
Khó khăn nhất hiện nay trong quá trình vận chuyển ôxy đến các địa phương trong tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ được đoàn công tác của Bộ Y tế gửi kiến nghị lên các cơ quan trung ương và địa phương để có hướng giải quyết. (Ảnh: HẢI YẾN)
Về khó khăn và đề xuất, lãnh đạo công ty cho biết hiện công ty đủ khả năng cung ứng ôxy lỏng, tuy nhiên, công ty không đủ số lượng chai chuyển từ lỏng sang khí. Dự kiến, sắp tới, công ty sẽ chuyển đổi công năng của bình chứa nitơ sang chứa ôxy (vẫn đảm bảo an toàn).
1 bình ôxy dạng khí có dung tích 40-47 lít. (Ảnh: HẢI YẾN)
Hiện tại nhà máy ở Biên Hòa có trạm nạp chai khí ôxy với công suất 5,27 tấn/ ngày. Trước tình hình cấp bách, tuần tới công ty sẽ tăng năng suất lên hơn 10 tấn/ ngày.
Thế mạnh của công ty là sản xuất ôxy lỏng. (Ảnh: HẢI YẾN)
Về công suất sản xuất chai ôxy khí, hiện công ty chia làm 3 ca với 480 chai/ ngày (dung tích mỗi chai khoảng 40-47 lít). Tuần tới sẽ tăng công suất gần 900 chai/ ngày tương đương 8 tấn/ ngày.
"Công ty đã trao đổi với Hiệp hội Khí công nghiệp Việt Nam chuyển đổi mục đích chai chứa khí khác sang chứa khí y tế để tăng chai ôxy phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện" - ông Hoan thông tin.
Hiện tại, nhà máy sản xuất đang nằm trong khu vực Biên Hòa, do đó, công ty đã áp dụng 3 tại chỗ với 39 người lao động làm việc trực tiếp tại công ty.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo công ty, TS.BS Nguyễn Đức Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe và môi trường Bộ Y tế, trưởng đoàn Tổ Thường trực của Bộ Y tế cho biết năng lực sản xuất ôxy y tế tại Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng ôxy y tế cho các đơn vị điều trị, và các đơn vị Hồi sức tích cực điều trị Covid-19.
Bình luận (0)