Sáng 10-11, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) cho biết vừa mổ thành công cho ông N.T.H (58 tuổi, ở TP HCM) bị bệnh hiếm gặp bướu tuyến thượng thận hai bên to 15 cm đang chảy máu.
Ông H. nhập cấp cứu trong tình trạng đau hông lưng 2 bên, lan xuống vùng bụng; huyết áp cao, mệt lả, xanh xao, thiếu máu.
Các bác sĩ đang mổ 2 khối bướu cho người đàn ông mắc bệnh hiếm gặp
Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có đến 2 khối bướu tuyến thượng thận kích thước rất lớn và viêm dính xung quanh. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp hiếm gặp, y văn thế giới chưa ghi nhận nhiều.
Kế hoạch phẫu thuật đảm bảo an toàn tốt nhất được đưa ra. Sau 4 giờ nỗ lực phối hợp của liên chuyên khoa, khối bướu hai bên với kích thước khoảng 15 cm mỗi bên được lấy ra khỏi cơ thể ông H. an toàn.
"Cuộc phẫu thuật rất căng thẳng do khối bướu dính vào tĩnh mạch chủ và các cơ quan lân cận, chảy máu nhiều. Chúng tôi phải tỉ mẩn từng chi tiết với sự hợp sức của nhiều bác sĩ kinh nghiệm" - ThS-BS Nguyễn Hoàng Luông, Phó trưởng khoa Niệu A, cho biết.
Nữ sinh viên bị màng che kín bẩm sinh hiếm gặp
Sáng 10-11, Bệnh viện Mắt quốc tế Hoàn Mỹ cho hay vừa cứu chữa cho một cô gái mắc bệnh tồn màng đồng tử bẩm sinh - tên khoa học là Persistent pupillary membrane (PPM) - hiếm gặp.
Bệnh nhân là N.T.N.D., sinh viên năm 3 của một trường ĐH ở TP HCM. Từ nhỏ, D. đã cảm thấy các dấu hiệu lạ ở mắt. Đến khi học cấp hai, cô được chẩn đoán có dấu hiệu đục thủy tinh thể và thị lực ngày càng giảm khi trưởng thành.
Vì học chuyên về ngôn ngữ, với đôi mắt kém thị lực nhìn nhòa mờ như vậy là sự khổ sở kéo dài đối với D. mỗi khi nhìn con chữ.
Nữ sinh mắc bệnh bẩm sinh màng che kín đồng tử hiếm gặp
Tại Bệnh viện Mắt quốc tế Hoàn Mỹ, các bác sĩ xác định nữ sinh viên này mắc PPM đồng tử bị che kín và tiến hành phẫu thuật thành công, trả lại thị lực cho cô.
ThS-BS Nguyễn Thành Long, Chuyên Khoa mắt - Bệnh viện Mắt quốc tế Hoàn Mỹ, cho biết PPM là một bệnh lý bẩm sinh do sự phát triển sai lệch của mống mắt, tạo nên những dãy xơ chắn trước đồng tử, ảnh hưởng đến thị lực người bệnh.
"Ban đầu, bệnh nhân sẽ khó phát hiện vì biểu hiện của bệnh lý này là nhìn không rõ, từ từ, màng trở nên dày hơn sẽ gây cản trở việc quan sát" - BS Long nhấn mạnh.
Bình luận (0)