Sáng 22-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng10-2022). Dự kiến, đến tháng 7-2023, luật này mới có hiệu lưc.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho biết Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ có 10 chương và 99 điều, so với luật hiện hành thì tăng một chương và 8 điều. Trong đó, chương 9 là chương hoàn toàn mới về khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ và tình trạng khẩn cấp.
Toàn cảnh hội thảo góp ý Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 22-3
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc bệnh viện, cho rằng sau những sự cố xảy ra trong vấn đề liên doanh, liên kết, đây là thời điểm "vàng" để quy định rõ về việc này. Bởi lẽ, các đơn vị đã có kinh nghiệm về sự sai sót trong liên doanh, liên kết và đã sửa đổi những hạn chế. Những người thực hiện liên doanh, liên kết có sai phạm đã rút ra được kinh nghiệm. Vì vậy, nếu luật không có mục riêng để quy định liên doanh, liên kết thì sẽ gây khó khăn cho các bệnh viện.
"Nguồn lực xã hội hoá còn rất lớn, nếu Quốc hội thông qua những quy định rõ về liên doanh, liên kết sẽ giúp ích rất nhiều cho các cơ sở khám chữa bệnh về việc mua trang thiết bị y tế, mang lại lợi ích cho người bệnh" - bác sĩ Thức nhận xét.
Hội thảo có hơn 20 đơn vị tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho rằng việc quy định rõ ràng về liên doanh, liên kết giữa cơ sở công với công, tư với tư, công với tư là cần thiết. Khi quy định rõ, chi tiết thì việc chi trả của bảo hiểm xã hội cũng dễ dàng hơn.
Bà Hằng chỉ ra trường hợp khi cơ sở y tế công lập vì sửa chữa, quá tải phải dọn ra bên ngoài thuê để hoạt động thì bảo hiểm xã hội không có cơ sở để thanh toán. Vì, Sở Y tế không thể cấp phép hoạt động được, nhưng nếu không dọn ra thì họ không đủ chỗ để hoạt động, đến lúc thanh toán thì bảo hiểm xã hội từ chối, gây khó khăn cho bệnh viện.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM - cũng cho rằng cần có sự chuẩn hoá trong quy định liên doanh, liên kết ở các cơ sở khám chữa bệnh. Bệnh cạnh đó, cần có chương riêng trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để bảo vệ cán bộ y tế.
Cũng trong buổi hội thảo, ông Nguyễn Hữu Kim, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn đề nghị bổ sung nội dung bệnh viện tư nhân được quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng phải thực hiện kê khai, đăng ký và niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho rằng đối với cơ sở công lập, cần có khung giá khám chữa bệnh dịch vụ để không bị lạm thu.
Bình luận (0)