Sau những ồn ào về các tai biến trong quá trình nạo hút thai tại các cơ sở “chui”, nhiều người bắt đầu tìm đến cơ sở y tế chính thống để thực hiện thủ thuật này. Tuy nhiên, khi biện pháp phá thai nội khoa (phá thai bằng thuốc) ngày một phổ biến, các bệnh viện (BV) chuyên khoa phụ sản lại phải tiếp nhận những ca gặp biến chứng do phá thai bằng thuốc nhưng sai phác đồ. Nhiều nạn nhân cho biết họ đã tự tìm cách giải quyết bằng một số thuốc; cũng có người đã tìm đến các phòng khám mà chính họ cũng không rõ có được phép phá thai hay không, với suy nghĩ “uống thuốc thôi chứ có mổ xẻ gì mà nguy hiểm”.
Quy định nghiêm ngặt
Phương pháp đình chỉ thai kỳ mà nhiều người tin rằng cực kỳ an toàn vì không phải lên bàn thủ thuật, không phải đối diện với các dụng cụ nạo hút thực ra vẫn được quy định rất nghiêm ngặt. Tháng 12 vừa qua, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản gửi các cơ sở y tế, đề cập tới Misoprostol, 1 trong 2 loại thuốc thường dùng trong phác đồ phá thai nội khoa, được thế giới khuyến cáo chỉ nên dùng trong phá thai từ 7 tuần tuổi trở xuống. Phá thai nội khoa ở những tuần thai lớn hơn cần được thực hiện ở BV tuyến tỉnh trở lên với các điều kiện nhất định. Hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bộ Y tế quy định: BV tuyến trung ương được phép phá thai bằng thuốc cho người mang thai đến 9 tuần, tuyến tỉnh, thành là 8 tuần, tuyến quận, huyện là 7 tuần. Các phác đồ đặc biệt khác dành cho thai to thường chỉ được thực hiện hạn chế ở một số BV tuyến tỉnh, thành, trung ương. Một số ít phòng khám sản phụ khoa cũng được thực hiện thủ thuật này cho thai 6 tuần trở xuống nhưng phải hội đủ điều kiện về cơ sở vật chất, có bác sĩ (BS) thành thạo về phá thai ngoại khoa và phá thai nội khoa.
Theo nhiều chuyên gia, việc uống thuốc dù được thực hiện đúng cách, đúng nơi, vẫn có các nguy cơ như mọi thủ thuật nạo hút thai khác. “Phá thai dù là ngoại khoa hay nội khoa cũng đều là phá thai” - BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, khẳng định. Theo ông, phá thai bằng thuốc có ưu điểm là kín đáo, tế nhị, giúp phụ nữ bớt lo sợ, ngại ngùng khi bước lên bàn thủ thuật; quá trình phá thai không chịu tác động bởi ngoại lực nên hạn chế được một số biến chứng… Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu cơn đau sẩy thai tự nhiên, có thể ra máu nhiều ngày hơn so với hút thai; và nếu không tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ, hướng dẫn sử dụng, theo dõi sau uống, nghỉ ngơi hợp lý… thì vẫn có thể dẫn đến những biến chứng như mất máu nhiều, sót nhau mà không được phát hiện, phá thai thất bại và phải hút lại…
Sai phác đồ, gặp biến chứng
Tại các cơ sở y tế, phá thai nội khoa thường được thực hiện bằng phác đồ phối hợp gồm 1 viên Mifepristone và 2 viên Misoprostol, một loại làm thai ngưng phát triển và một loại giúp tử cung co bóp đẩy thai ra ngoài, được sử dụng cách nhau 48 giờ. Trong khi Mifepristone được quản lý chặt chẽ và chỉ phân phối cho các cơ sở được phép thực hiện thủ thuật này thì Misoprostol lại không khó kiếm ngoài thị trường. “Misoprostol còn được dùng trong điều trị băng huyết sau sinh và một số vấn đề viêm loét dạ dày, có thể tìm tại các nhà thuốc BV và bán theo toa BS” - BS Dương Phương Mai, Phó Giám đốc y khoa của BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, cho biết.
Đó cũng là lý do các trường hợp gặp biến chứng vì phá thai nội khoa phải nhập viện, nạn nhân thường đem theo một toa thuốc phá thai không đúng phác đồ, chỉ dùng Misoprostol. “Tôi đi phá thai thì người ta cho 8 viên Misoprostol chia trong mấy ngày liền, mỗi ngày 2 viên liên tục, uống vào thì bụng cứ đau âm ỉ, gần 2 tuần vẫn ra máu rỉ rả nên phải đi khám. Vào BV, người ta nói uống vậy thì chết. Từ nay chừa luôn cái phòng khám gần nhà…” - người có nickname anhsangp… than thở trên một diễn đàn dành cho phụ nữ. Nhiều phụ nữ khi vào viện đã bị cho dùng hàng chục viên này nhưng việc phá thai vẫn không hiệu quả.
Theo BS Mai, việc dùng sai phác đồ, quá liều có thể dẫn tới sẩy thai không hoàn toàn, đau bụng và ra huyết nhiều, kéo dài, thậm chí là băng huyết, đe dọa tính mạng và khả năng làm mẹ sau này. Với loại thuốc này, nếu uống 10 viên trong ngày thì có thể bị ngộ độc. Trong trường hợp thai sẩy không hoàn toàn hay sót nhau mà không vào BV để giải quyết kịp thì có thể dẫn đến nhiễm trùng, viêm vùng chậu, buồng trứng...
Phải được khám và tái khám
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, phá thai nội khoa cũng có các trường hợp chống chỉ định như người bị tăng huyết áp, rối loạn đông máu, thiếu máu nặng, dị ứng với các thuốc trong phác đồ. Do vậy, người đi phá thai phải được khám kỹ trước khi thực hiện, đồng thời tái khám theo hẹn để chắc chắn việc phá thai đã thành công. Việc khám này còn nhằm xác định thai có nằm trong buồng tử cung chưa, vì nếu thai chưa vào tử cung thì việc thực hiện sẽ không hiệu quả; nguy hiểm hơn là với các ca thai ngoài tử cung, nếu uống thuốc phá thai thì có thể gặp tai biến đe dọa tính mạng.
Bình luận (0)