Hội nghị lần thứ nhất với chủ đề "Cập nhật chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày - thực quản" do Hội Phẫu thuật Tiêu hóa trên Đông Nam Á tổ chức diễn ra tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM trong 2 ngày 28 và 29-6 thu hút gần 400 chuyên gia, đại biểu trong nước và thế giới. Nhiều kinh nghiệm chuyên môn, cập nhật tiến bộ mới trong điều trị đường tiêu hóa, dạ dày đã được chia sẻ tại đây.
Theo các chuyên gia, hiện nay khoa học chưa biết nguyên nhân rõ ràng của ung thư dạ dày nhưng các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đã được đề cập nhiều như: Thói quen ăn nhiều muối, ủ ngâm muối, lên men, thịt hun khói và nướng, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, thuốc lá, béo phì, người bệnh bị nhiễm virus HP kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác…
Nhiều tiến bộ mới trong điều trị tiêu hóa của thế giới được chia sẻ tại Việt Nam
TS-BS Võ Duy Long, Phó Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khuyến cáo nếu cơ thể có dấu hiệu đau bụng, ăn không tiêu, đầy bụng trên 2 tuần, tiểu sử gia đình đã có người bị ung thư hoặc người bệnh bị nhiễm virus HP thì nên đi tầm soát ung thư dạ dày. Chỉ riêng tại bệnh viện này, mỗi năm tiếp nhận khoảng 300 trường hợp ung thư dạ dày. Bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa với 22% người dưới 40 tuổi được ghi nhận mắc bệnh.
Bác sĩ chia sẻ về bệnh ung thư dạ dày
Theo PGS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, người mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn vẫn còn cơ hội điều trị nhờ vào phác đồ điều trị tiên tiến trên thế giới. Ở các nước tiên tiến, việc tầm soát ung thư là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe vô cùng quan trọng. Tại Nhật Bản, người trên 40 tuổi sẽ được khám và chụp Barium, nếu có bất thường sẽ được chỉ định nội soi. Ở Hàn Quốc, chương trình tầm soát được thực hiện 2 lần/năm cho người trên 60 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ gia đình, đã mắc bệnh polyp, loạn sản…
Bình luận (0)