Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết cơ quan này vừa nhận được một số thông tin liên quan đến thuốc giả, nghi ngờ giả của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công An huyện Thạch Thất (Hà Nội) và một số công ty, văn phòng đại diện hãng dược tại Hà Nội về việc phát hiện một số lô thuốc giả, nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc có thông tin ghi trên nhãn.
Cụ thể, các thuốc được gửi thông tin gồm: Nexium 40mg, Enterik Kapli Pellet Tablet, AstraZeneca, số lô: 21H979, trong mỗi hộp có 4 vỉ, mỗi vỉ 7 viên có hình ảnh giống với hình ảnh của thuốc Nexium 40mg lô Parti no: 22B264.
Phát hiện thuốc nghi là giả giống mẫu thuốc Nexium 40mg thật. Ảnh: Cục Quản lý dược
Thuốc Tetracyclin Tw3 250mg, SĐK: VD-28109-17, Số lô SX: 0321, NSX: 2/2/2021, HD: 2/2/2024, nhà sản xuất: Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3, quy cách hộp 400 viên nén. Đây là thuốc kháng sinh.
Mẫu thuốc Tetracyclin Tw3 250mg và Clorocid Tw3 được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Thất gửi đến Cục Quản lý dược.
Thuốc Clorocid Tw3 250mg, SĐK: VD-25305-16, Số lô SX: 0321, NSX: 7/7/2021, HD: 7/7/2024, Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3, qui cách hộp 400 viên nén. Đây là thuốc kháng sinh. Trong khi đó, công ty này thông báo tới Cục Quản lý Dược từ 16/9/2019 đến 29/6/2022, công ty không tiến hành sản xuất lô thuốc nào đối với Clorocid Trung ương 3, SĐK: VD-25305-16.
Thuốc TobraDex, hộp 1 lọ đếm giọt Droptainer 5ml, số lô: 22C10HB, ngày hết hạn/EXP: 10/3/2024, ngày sản xuất/ MFD: 10/3/2022.
Hình ảnh thuốc nhỏ mắt TobraDex (thật)
Hình ảnh thuốc nhỏ mắt TobraDex (giả). Ảnh: Cục Quản lý dược
Hình ảnh so sánh thuốc thật và giả
TobraDex là thuốc nhỏ mắt. Phông chữ thuốc giả khác với thuốc chính hãng, vỏ hộp thuốc giả không sử dụng hệ thống bảo vệ Norvatis (NSS), chiều cao lọ thuốc giả (55mm) thấp hơn so với sản phẩm chính hãng, đáy chai thuốc không giống với thiết kế của Norvatis; giọt thuốc giả có màu trong suốt như nước cất trong khi thuốc chính hãng màu trắng, trắng đục.
Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng cảnh báo đối với thuốc Tecentriq 1200mg/20ml (atezolizumab), số lô B0033B03, HSD: 2/9/24, code 10001437939658. Đây là kháng thể đơn dòng được chỉ định trong điều trị ung thư.
Cảnh báo của cơ quan chức về phân biệt thuốc thật - giả
Cùng đó, cảnh báo với thuốc nghi ngờ giả là thuốc Diamicron MR 30mg, số lô: 695986, HSD: 9/2024, được chỉ định trong điều trị đái tháo đường type 2; thuốc Coveram 5mg/5mg, số lô: 2170310010, HSD: 11/2024, dùng điều trị tăng huyết áp, bệnh động mạch vành...
Thuốc Coveram giả bao bì mẫu được công ty gửi đến Cục Quản lý dược
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị các địa phương thông báo cho cơ sở kinh doanh, phân phối và sử dụng các sản phẩm trên để phân biệt, báo cáo cơ quan chức năng nếu phát hiện thuốc giả.
Đồng thời, các địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn, tập trung kiểm tra các sản phẩm có thông tin như mô tả nêu trên.
Cục Quản lý Dược yêu cầu các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối liên quan đến các sản phẩm trên cung cấp thông tin và phối hợp với sở Y tế và các cơ quan có liên quan trong việc truy tìm nguồn gốc.
Bình luận (0)