Thuốc trừ sâu SOM 5DD đang được nhiều tiểu thương kinh doanh rau củ, quả tại TPHCM và các vùng trồng rau quả khác sử dụng. Người có nhu cầu chỉ cần bỏ ra 5.000 đồng là có một gói SOM 5DD có trọng lượng 20 gram có thể bảo quản cho nửa tấn rau quả.
Rau quả bị ngâm tẩm, thuốc độc
Ông Lê Tấn Tài ở quận 3 - TPHCM chuyên lấy thuốc trừ sâu của một số công ty trong Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân bỏ mối các tỉnh miền Tây, miền Đông, cho biết ông phải tìm đến một đại lý kinh doanh thuốc trừ sâu SOM 5DD ở tận Tân Bình để lấy hàng. Mặt hàng này hiện tiêu thụ rất mạnh ở các tỉnh. Các chủ vựa dùng SOM 5DD bảo quản rau, trái cây để vận chuyển hàng đi xa mà vẫn bảo đảm được tươi tốt. Ông Tài còn cho biết thêm, thương lái các tỉnh đã tẩm loại thuốc này vào trái cây cũng như hàng bông rất nhiều, khi hàng lên TPHCM lại bị tẩm thêm một lần nữa.
Thuốc trừ sâu SOM 5DD có nguồn gốc từ Trung Quốc (TQ) do một Công ty TNHH Vật tư và Nông sản ở Hà Nội nhập và phân phối. Theo Quyết định số 15/2004/QĐ-BNN ngày 14- 4-2004 của Bộ NN&PTNT thì loại thuốc này có trong danh mục được phép sử dụng. Tuy nhiên, trong danh mục trên, loại thuốc này chỉ được phép trị bệnh sương mai, thán thư, bạc lá, đốm sọc, phấn trắng, mốc xám, đạo ôn... chứ không hề có đăng ký dùng làm chất bảo quản sau thu hoạch trên rau quả. Thế nhưng trên tờ bướm quảng cáo phát cho khách hàng lại ghi rõ SOM 5DD có khả năng giữ cho quả tươi lâu và hướng dẫn khá tỉ mỉ cách sử dụng. “Để giúp cho rau quả tươi lâu cần phải xử lý: Phun thuốc với nồng độ 0,15% một tuần trước khi thu hoạch. Sau khi thu hoạch nên ngâm sản phẩm vào trong dung dịch thuốc nồng độ từ 0,15%-0,20% với thời gian khoảng 30 giây có thể bảo quản được từ 10 ngày trở lên...”.
Độc tố trong thuốc trừ sâu là rất nguy hiểm
Ông Lê Minh Dũng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Thực vật TPHCM, cho biết các loại thuốc kích thích tăng trưởng cũng như thuốc trừ sâu, kể cả chất bảo quản sau thu hoạch đều có những hoạt chất rất độc nếu sử dụng không bảo đảm liều lượng cũng như thời gian cách ly.
Ông Nguyễn Quang Định, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Thực vật TPHCM, cho biết thuốc SOM 5DD đã vi phạm về quảng cáo vì trong danh mục không có đăng ký là chất bảo quản sau thu hoạch. Điều này rất nghiêm trọng vì một sản phẩm thuốc trừ sâu muốn được lưu thông trên thị trường đều phải được kiểm nghiệm cũng như được cơ quan chức năng cho phép lưu hành. Độc tố trong thuốc trừ sâu là rất nguy hiểm liên quan đến cả cộng đồng. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật lợi dụng việc quản lý chưa được thống nhất đã quảng cáo cho sản phẩm của mình quá đà, có thể trị được nhiều bệnh trong đó có cả chức năng làm chất bảo quản sau thu hoạch. Các văn bản hướng dẫn quản lý trong lĩnh vực thực vật chỉ chú trọng đến khâu sản xuất, chứ chưa điều chỉnh trong khâu lưu thông cho nên nhiều đơn vị kinh doanh thuốc trừ sâu tìm đủ mọi cách để len lỏi vào khâu này. Cho đến nay, trong khâu lưu thông vẫn chưa có cơ quan nào quản lý. Hiện Chi cục Thú y TPHCM đang bàn với Sở Y tế TPHCM kiến nghị lên UBND TPHCM cho phép 2 đơn vị thống nhất quản lý rau quả trong khâu lưu thông.
Cam TQ nhiễm thuốc trừ cỏ Gần đây, người tiêu dùng tẩy chay trái cây TQ vì có hiện tượng sử dụng thuốc trừ cỏ để kích thích tăng trưởng. Đây là loại chất độc diệt cỏ rất mạnh, có khả năng tồn trữ trên rau quả trong thời gian dài. Mới đây, Trung tâm Kiểm nghiệm Thực phẩm (Viện Dinh dưỡng) kết hợp cùng Trung tâm Kỹ thuật 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) tiến hành lấy 4 mẫu cam TQ tại cửa khẩu Tân Thạnh - Lạng Sơn. Kết quả xét nghiệm cho thấy cả 4 mẫu đều có nhiễm thuốc trừ cỏ 2,4-D. Trong đó có 3 mẫu còn tồn dư thuốc trừ cỏ trên vỏ ở mức 0,008 mg/kg, riêng mẫu còn lại có thuốc trừ cỏ tồn dư trong ruột ở mức 0,5 mg/kg, cao hơn giới hạn tồn dư tối đa 5 lần (0,1 mg/kg). L.Giang |
Bình luận (0)