Theo TS-BS Trần Hòa, Phó Khoa Tim mach can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, số liệu mới nhất cho thấy có khoảng 20%-25% dân số thế giới và Việt Nam mắc tăng huyết áp (một trong hai trị số: huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên). Theo đó, cứ 4-5 người thì có 1 người bị tăng huyết áp.
Một ca vỡ mạch máu đột quỵ do tăng huyết áp
Tuy chẩn đoán tăng huyết áp rất đơn giản, mỗi người có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp. Người dân còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và chủ động tầm soát khiến số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỉ lệ thấp.
Tăng huyết áp hiện là vấn đề sức khỏe cộng đồng, ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Hiện nay, xu hướng tối giản hóa trong điều trị và khuyến khích người bệnh chủ động đo tăng huyết áp đúng cách đang là vấn đề quan trọng cần lưu ý trong chẩn đoán, điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, phần lớn người bệnh không tuân thủ điều trị vì bệnh hầu như không gây triệu chứng điển hình. Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…
"Một vấn đề đáng lo ngại đó là người được chẩn đoán mắc tăng huyết áp nhưng chưa tuân thủ điều trị cũng chiếm đến 50%. Nhiều người dù đã được chẩn đoán, điều trị nhưng huyết áp vẫn không đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 140/90 mmHg). Nguyên nhân thường do người bệnh không tuân thủ điều trị bằng thuốc và có lối sống chưa phù hợp (thói quen ăn mặn, thiếu vận động, thừa cân – béo phì…)”- BS Hòa cảnh báo.
Bình luận (0)