Sáng 19-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra công tác đáp ứng điều trị khi có ca bệnh Ebola tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, vừa qua, BV này tiếp nhận 2 bệnh nhân nghi ngờ liên quan đến bệnh Ebola. Tuy nhiên, một người được xác định sốt virus, người kia viêm phổi và cả hai đã khỏi bệnh, được xuất viện.
Diễn tập tiếp nhận bệnh nhân
PGS-TS Nguyễn Văn Kính cho biết BV Bệnh nhiệt đới trung ương đã chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly, khu vực khử khuẩn, các đội điều trị và cấp cứu ngoại viện để đối phó dịch bệnh Ebola. BV đã có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2 đủ năng lực xét nghiệm virus này. Mới đây, phòng xét nghiệm đã tiếp nhận sinh phẩm xét nghiệm xác định virus Ebola.
Ông Kính đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ BV thêm các phương tiện phòng hộ cho các nhân viên y tế, trang bị phòng khử khuẩn, tăng cường phòng cách ly lưu động có thể lắp ráp tại chỗ trong thời gian ngắn để đề phòng khi có số đông bệnh nhân Ebola.
Tại buổi họp khẩn của Bộ Y tế cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát - Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết sẽ phối hợp và hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh Ebola. Trước những lo ngại về sự thay đổi đường lây truyền của Ebola, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định chưa có cơ sở khoa học chứng minh virus lây qua đường hô hấp. Đường lây virus Ebola vẫn là qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết.
Yêu cầu tăng cường biện pháp ứng phó với dịch Ebola, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các BV được phân công tiếp nhận khi có ca bệnh Ebola phải nâng mức cảnh giác với bệnh trước tình hình nguy cấp hiện nay. Ông Long yêu cầu trong tuần tới, các BV phải thực hiện diễn tập tình huống tiếp nhận ca bệnh Ebola.
Trước tình hình bệnh Ebola diễn biến phức tạp trên thế giới, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế yêu cầu tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập Việt Nam
Khả năng lây nhiễm vào Việt Nam rất cao
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam chưa xuất hiện trường hợp nhiễm virus Ebola. Tuy nhiên, do Việt Nam có nhiều công dân sống và làm việc tại những quốc gia có dịch nên khả năng lây nhiễm rất cao qua người lao động về nước hoặc hành khách nhập cảnh từng qua vùng có dịch.
“Tại Mỹ và Tây Ban Nha - các quốc gia có biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ và hiệu quả - nhưng cũng đã ghi nhận những trường hợp mắc và tử vong do Ebola. Do đó, Việt Nam đang tìm kiếm những thông tin về sai sót trong quá trình phòng bệnh để có thể rút kinh nghiệm” - ông Phu nói.
Bộ Y tế đã đưa ra 3 tình huống đối phó với dịch bệnh này: Khi chưa ghi nhận ca bệnh, đã xuất hiện ca bệnh xâm nhập Việt Nam và cuối cùng là phương án dịch lây lan trong cộng đồng. Việt Nam đang ở trong tình huống 1 nhưng trước đó, Bộ Y tế đã kích hoạt một số hoạt động ở tình huống 2 để đối phó dịch bệnh nguy hiểm này. Ông Trần Đắc Phu cho biết hiện các địa phương đã hoàn tất công tác tập huấn cho nhân viên y tế về phòng chống dịch Ebola.
Bình luận (0)