10 tuổi nhưng nặng 35 kg, bé Ngô Thu Hoa (Hà Nội) trông rất mủm mỉm. Vậy mà cách đây gần 1 năm, thấy bụng con to, chị Nghĩa - mẹ bé Hoa - chỉ nghĩ do thừa cân, còn khi con kêu đau bụng, chị lại cho con uống thuốc rối loạn tiêu hóa. Ngay cả khi thấy con bị ra máu ở vùng kín, chị cũng cho rằng con mình dậy thì sớm. Nhưng cơn đau càng tăng dần, đến mức bé Hoa tái xanh mặt, ôm bụng khóc thì gia đình mới hoảng hốt đưa bé đi khám. Kết quả siêu âm cho thấy bé Hoa bị khối u lớn ở buồng trứng.
Những khối u cực lớn
Theo TS-BS Nguyễn Văn Tuyên - Phó Giám đốc,Trưởng Khoa Ngoại phụ khoa Bệnh viện (BV) K Trung ương - trường hợp 9-10 tuổi bị ung thư buồng trứng không phải hiếm. Ung thư buồng trứng vốn được coi là kẻ giết người thầm lặng bởi khi khối u nhỏ, người bệnh không thấy bất thường nào. Khối u to kỷ lục mà các bác sĩ ở đây từng phẫu thuật là 27 kg nằm trong cơ thể bệnh nhân nặng chỉ 26 kg.
Phụ nữ sau tuổi 30 nên định kỳ tầm soát ung thư buồng trứng
Bệnh nhân mang khối u khổng lồ này là người dân tộc Tày, 38 tuổi, ở tỉnh Cao Bằng. “Biểu hiện ban đầu ở bệnh nhân này chỉ là những cơn đau bụng, rồi bụng mỗi ngày một to ra. Nghe lời thầy lang vườn, chị đi cắt thuốc nam về uống nhưng không bớt. Trong 8 năm, chị này uống đủ mọi loại thuốc nhưng bệnh càng nặng.
Chỉ đến khi lên BV tỉnh khám, các bác sĩ mới phát hiện ra khối u trong ổ bụng và chị được chuyển đến BV K để phẫu thuật. Khối u có đường kính 50 cm, gây chèn ép và dính vào nhiều bộ phận bên trong cơ thể được lấy ra sau gần 3 giờ phẫu thuật. Đáng nói là khối u khổng lồ đã làm biến dạng hình dáng của chị, khiến bệnh nhân giống như bà bầu đến ngày đẻ, lưng gù không thể đi lại được” - BS Tuyên kể.
BS Tuyên cho biết thêm ngoài những bệnh nhân mang khối u nặng một vài kg thì những khối u buồng trứng nặng tới 10-18 kg cũng không phải là hiếm gặp.
Phụ nữ chưa có con cũng bị
Theo BS Tuyên, u buồng trứng chiếm khoảng 5% trong các loại ung thư ở nữ giới nhưng lại là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư phụ khoa. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc chiếm từ 3,6-3,9/100.000 người dân và gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ dậy thì và những phụ nữ trên 60 tuổi. Trong số này, phụ nữ chưa có con lại chiếm tỉ lệ rất lớn, đa số tập trung ở phụ nữ dưới 30 tuổi.
Có tới 55% bệnh nhân nhập viện khi có triệu chứng đau bụng, bụng lớn dần. Những triệu chứng này thường rất dễ nhầm lẫn với chứng đau bụng khi hành kinh, rối loạn kinh nguyệt, thậm chí có không ít phụ nữ khi thấy bụng lớn dần thì tưởng đó là… mỡ bụng! Chỉ có gần 20% các trường hợp là được phát hiện qua thăm khám định kỳ.
BS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, cho biết phần lớn bệnh nhân nhập viện khi đã ở giai đoạn muộn, tức là khối u quá lớn hoặc đã di căn. “Tuy vậy, không phải cứ khối u to là ác tính, có trường hợp khối u buồng trứng chỉ vài centimet nhưng tế bào ác tính đã xâm lấn đến nhiều cơ quan trong ổ bụng, phải cắt bỏ hết” - BS Quyết nhấn mạnh. Khi chưa có biến chứng, khối u buồng trứng thường gây ra các triệu chứng rất mơ hồ, đa số chỉ phát hiện một cách tình cờ khi siêu âm bụng kiểm tra hay khi khám phụ khoa định kỳ.
Khi phát hiện một số dấu hiệu và triệu chứng bất thường như đau bụng, chướng hơi, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc tiểu lắt nhắt; tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân, rối loạn kinh nguyệt hoặc ra máu âm đạo bất thường…, người bệnh nên đến các cơ sở y tế.
“Thực tế có người thấy chướng bụng hoặc táo bón, ngỡ rằng có vấn đề về đường tiêu hóa, có người lại thấy bụng dưới to hơn, tưởng rằng mình mập ra hoặc tăng cân do tuổi tác, có người lại thấy tình trạng tiểu lắt nhắt, cứ cho rằng bị nhiễm trùng tiểu… Đến khi đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn quá muộn, việc điều trị gặp nhiều rủi ro. Khi khối u ở giai đoạn muộn sẽ phát triển rất nhanh, thậm chí chỉ trong 3-4 tháng khối u đã có thể tiến triển với kích thước 15-20 cm” - BS Tuyên lưu ý.
Cân nhắc việc cắt buồng trứng ngừa ung thư
Gần đây có một số trường hợp, nhất là bệnh nhân từng bị ung thư vú, đã dự phòng ung thư buồng trứng bằng việc chủ động cắt bỏ buồng trứng. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng phẫu thuật cắt bỏ để dự phòng ung thư chỉ là một trong những lựa chọn và phương pháp này cũng không phải bảo đảm 100% là sẽ không mắc bệnh.
Theo BS Tuyên, phẫu thuật là phương pháp điều trị đầu tiên thông thường đối với phụ nữ bị chẩn đoán ung thư buồng trứng. Để phòng bệnh, chị em phụ nữ nên chủ động tầm soát định kỳ để phát hiện sớm ung thư. Hiện nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư buồng trứng vẫn chưa được biết rõ ràng. Ngoài lý do tuổi tác còn có yếu tố di truyền, vì vậy những phụ nữ có mẹ, con gái, chị em gái bị ung thư buồng trứng nên tầm soát bệnh. |
Bình luận (0)