Chỉ tại… cái đầu
Do ca sinh gặp tai biến, nên BS cũng dặn chị L. kiêng khem việc vợ chồng một thời gian. Thương vợ phải trải qua ca sinh kinh hoàng và cũng có đôi chút kiến thức, anh A. chồng chị cũng không “đòi hỏi” đến tận mấy tháng sau. Đến tháng thứ 2 sau sinh, tình cờ chị nghe mấy người bạn gái than vãn về “những ông chồng vô trách nhiệm”, vợ mới sinh được vài tuần đã “hăm he” cho dù các chị còn đang mệt mỏi vì con mọn.
Nghĩ lại mình, chị L. bỗng thấy tủi thân và cho rằng chồng mình “ngoan hiền” bất thường cũng chỉ vì ca cắt tử cung vừa qua. Chị giữ nỗi lo lắng trong lòng, cả tháng sau mới dám thử gợi ý chồng. Tuy nhiên, lần gần gũi đầu tiên sau sinh ấy lại không hề ổn thỏa. Chị cảm thấy bản thân không thể hòa hợp với chồng được nữa và còn “có cảm giác như anh ấy không hài lòng”, nên từ đấy đâm ra mặc cảm và né luôn chồng.
Còn chị N.H.H.A. (40 tuổi) thì chia sẻ trên một diễn đàn rằng mình mới trải qua phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng sau khi được chẩn đoán ung thư và “không thể làm vợ được nữa”. Từ sau khi hồi phục và bắt đầu quan hệ lại với chồng, những lần gần gũi đã trở thành nỗi ám ảnh do chị liên tục đau đớn. Ban đầu, chị A. cắn răng chịu đựng, sau không chịu được nữa và “cấm vận” luôn. “Dẫu biết có thể anh sẽ có một người đàn bà khác, bởi anh vẫn trẻ trung với cái tuổi 42… nhưng tôi cũng đành chấp nhận. Tôi đã không còn là đàn bà”, chị A. thổn thức.
Mất gì cũng có cách bổ sung
Theo BS chuyên khoa II Dương Phương Mai, Phó Giám đốc y khoa BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn, điều lớn nhất mà những người phụ nữ vừa trải qua phẫu thuật cắt tử cung, cắt buồng trứng… phải đối mặt chính là tâm lý không ổn định, hụt hẫng. Nhiều người sau cắt tử cung thấy mình không còn kinh nguyệt, tự cảm thấy hụt hẫng và cho rằng “thế là hết”, mà quên rằng âm đạo vẫn còn nguyên. Đôi buồng trứng vẫn không ngừng sản sinh ra các nội tiết tố cần thiết giúp họ có làn da, vóc dáng đặc trưng của phụ nữ, giúp họ duy trì đời sống tình dục mà không có bất kỳ trở ngại nào.
Nói chung, nếu chỉ cắt tử cung thì việc quan hệ tình dục không hề bị ảnh hưởng, nếu vấn đề ấy có xuống dốc thì thường chỉ do tâm lý. Trong một số trường hợp, cái ám ảnh ấy còn nằm ở cả người chồng, chính bản thân các anh cảm thấy… vợ không còn là đàn bà. Do vậy, khi có “trục trặc”, tốt nhất cả hai vợ chồng nên cùng tìm đến điểm tư vấn để khúc mắc được giải quyết ổn thỏa từ cả hai phía.
Cẩn thận với biện pháp nội tiết thay thế
Theo BS Dương Phương Mai, nếu cần sử dụng đến các biện pháp nội tiết thay thế để duy trì sức khỏe cũng như đời sống tình dục, tốt nhất người phụ nữ nên tìm thấy những BV chuyên khoa, BV lớn có uy tín để thực hiện, bởi các biện pháp nội tiết nếu bị sử dụng bừa bãi, quá liều hay tùy tiện thì có thể trở thành con dao hai lưỡi và đưa đến những nguy cơ lớn về sức khỏe, ví dụ như một số loại ung thư. Trái lại, nếu được sử dụng đúng mức và có sự theo dõi tốt của bác sĩ chuyên khoa, các biện pháp nội tiết hiện đại có thể được sử dụng rất an toàn. Ngoài ra, nếu vẫn bị ám ảnh bởi tâm lý “không còn là đàn bà”, người phụ nữ nên tìm đến các đơn vị tư vấn, có thể ngay tại BV sản khoa mình đã điều trị, để được hiểu rõ hơn về cuộc phẫu thuật cũng như cách “thắp lửa” trở lại.
|
Bình luận (0)