Đây là sân bay cấp cứu hàng không lần đầu tiên được đặt trong bệnh viện (BV) ở TP HCM, đánh dấu bước tiến mới về cấp cứu ngoại viện. Hình thức cấp cứu này sẽ tăng hiệu quả đối với những bệnh nhân đột quỵ và đa chấn thương.
Tranh thủ "thời gian vàng"
Lâu nay, các ca bệnh nặng, phức tạp được cấp cứu bằng đường không phải đưa về sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó mới dùng xe cứu thương chuyển tiếp bệnh nhân về BV. Điều này làm kéo dài một khoảng thời gian nhất định, ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Khép lại năm 2020, BV Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP HCM) đã tạo nên một đột phá mới khi đưa vào hoạt động sân bay trực thăng cấp cứu trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương Chỉnh hình của BV, mở ra lộ trình chuyên nghiệp hóa công tác cấp cứu cho khu vực phía Nam, đưa BV trở thành cơ sở y tế đầu tiên cả nước có sân bay cấp cứu trực thăng.
Tình huống giả định là 2 trường hợp cấp cứu đa chấn thương và đột quỵ của người dân ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP HCM) và huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) được sơ cứu và chuyển thẳng về BV Quân y 175 bằng máy bay trực thăng.
Ngay sau khi đáp xuống nóc Viện Chấn thương Chỉnh hình, bệnh nhân đa chấn thương được chuyển ngay bằng băng ca xuống Khoa Hồi sức tích cực và sau đó là Khoa Phẫu thuật gây mê để được can thiệp điều trị; riêng bệnh nhân đột quỵ được hội chẩn ngay với các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh của BV Nhân Dân 115 và được điều trị tiêu sợi huyết kịp thời.
Từ lúc máy bay đáp trên sân bay ở nóc BV đến khi bệnh nhân được chuyển đến khoa cấp cứu hoặc vào thẳng phòng mổ, khoa hồi sức chỉ mất khoảng vài phút. Việc có sân bay tại BV sẽ tranh thủ được "thời gian vàng" cấp cứu cho người bệnh.
Thiếu tướng - PGS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc BV Quân y 175, cho biết sân bay trực thăng cấp cứu là khát vọng suốt 30 năm qua của BV. Từ chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đến ngày chính thức ra mắt sân bay trực thăng cấp cứu là 1 năm chuẩn bị tâm huyết của đơn vị và các cơ quan liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam... Hai chiếc trực thăng vận chuyển cấp cứu đầu tiên này thuộc Binh đoàn 18 và Sư đoàn 370 của Quân chủng Phòng không - Không quân.
Trực thăng đưa một bệnh nhân ở hải đảo về đất liền cứu chữa
Phổ cập cấp cứu hàng không
Theo PGS Nguyễn Hồng Sơn, sắp tới những máy bay trực thăng chuyên dụng (helicopter) sẽ được chuyển thành máy bay chuyên dùng cho lĩnh vực y tế (medicopter), giải quyết được nhiều kỹ thuật cấp cứu ngay trên máy bay. Sắp tới, BV sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế hoạt động của sân bay trực thăng để đáp ứng mọi yêu cầu cần thiết.
"Ngoài phục vụ vận chuyển cấp cứu cho chiến sĩ và người dân gặp tai nạn ở Trường Sa, sân bay trực thăng cấp cứu của BV Quân y 175 sẽ là điểm phát triển cấp cứu nhanh, hướng đến là trung tâm cấp cứu đa năng đường bộ - đường thủy - đường không. Tham gia giải quyết các tình huống, sự cố thảm họa, thiên tai..., bảo đảm phục vụ tốt sức khỏe cán bộ, nhân dân TP HCM, các tỉnh trong khu vực" - lãnh đạo BV Quân y 175 nhấn mạnh.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết Trung tâm Cấp cứu 115 TP sẽ sớm phối hợp với BV Quân y 175 triển khai mô hình cấp cứu ngoại viện bằng trực thăng.
Để phát huy tốt nhất hiệu quả bãi đáp trực thăng tại BV Quân y 175, cũng như những bãi đáp khác tại các BV đa khoa, chuyên khoa đầu ngành của TP trong tương lai (như Ung Bướu cơ sở 2, Nhân Dân 115, Nhi Đồng Thành phố...), Sở Y tế TP cùng các cơ quan chức năng có liên quan sẽ sớm hoàn thiện các quy chế hoạt động, các cơ chế chính sách, các quy định mang tính chuyên môn và pháp lý của mô hình cấp cứu ngoại viện bằng trực thăng.
"Định hướng của ngành y tế TP HCM xem cấp cứu ngoại viện là hoạt động rất quan trọng, trong thời gian tới, TP sẽ triển khai thêm loại hình sân bay cấp cứu bằng trực thăng tại các BV ở TP HCM, để công tác cấp cứu ngày một hiệu quả, ngang tầm khu vực" - BS Tăng Chí Thượng kỳ vọng.
Bình luận (0)