Sáng 12-12, Bệnh viện Quân y 175 cho biết đơn vị vừa kịp thời vận chuyển cấp cứu bằng đường không cứu chiến sĩ L.P.T (40 tuổi, quê Thanh Hóa) bị sốc mất máu do chảy máu mũi số lượng lớn.
Trực thăng hạ cánh tại sân đỗ tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 chiều tối ngày 11-12. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Theo đó, chiến sĩ T. đang là quân nhân công tác tại bệnh xá đảo Song Tử Tây. Trước đó, 7 giờ 30 ngày 10-12, bệnh nhân đột ngột xuất hiện chảy máu mũi số lượng lớn (khoảng 400-500ml), khó cầm máu, huyết áp, SpO2 giảm... Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã tiến hành các biện pháp cấp cứu ban đầu đồng thời kết nối hội chẩn Telemedicine với các chuyên gia từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 175. Bệnh nhân được đặt sonde foley và nhét metche tăng cường để cầm máu, thuốc cầm máu, bù dịch, nâng huyết áp, kháng sinh, an thần, bất động máu đã tạm cầm.
Bệnh nhân được vận chuyển bằng đường không từ đảo Song Tử Tây về đất liền điều trị kịp thời. (Clip: Bệnh viện cung cấp)
Đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ đã khẩn trương đưa bệnh nhân từ đảo Song Tử Tây lên trực thăng để về đất liền. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Tuy nhiên, đến khoảng 14 giờ 30 cùng ngày, bệnh nhân lại xuất hiện chảy máu số lượng lớn (khoảng 500ml) với tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, ý thức đáp ứng chậm. Bệnh nhân được chẩn đoán là sốc mất máu vì chảy máu mũi số lượng lớn cần phải sớm đưa về đất liền điều trị.
Do đó, tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 do Thượng úy, bác sĩ Tạ Văn Bạch (Khoa hồi sức tích cực) làm tổ trưởng, xuất phát khoảng 8 giờ ngày 11-12 tại sân bay Tân Sơn Nhất, bay ra đảo Song Tử Tây để đưa bệnh nhân T. về đất liền. Đến khoảng 17 giờ 30 cùng ngày, bệnh nhân được đưa vào khoa cấp cứu của bệnh viện để điều trị tiếp theo.
Thượng úy, bác sĩ Tạ Văn Bạch theo dõi, chăm sóc bệnh nhân trên máy bay. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Theo Thượng úy, bác sĩ Tạ Văn Bạch, điểm đặc biệt của ca cấp cứu này là bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu mức độ nặng ở vùng mũi họng sâu nên tổ cấp cứu phải mang theo máu dự phòng. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, gây mê sẵn sàng cho tình huống phải phẫu thuật tại chỗ.
Qua tiếp cận bệnh nhân, tổ cấp cứu đã nhanh chóng xử trí với nhiều biện pháp tích cực, tiến hành bù chế phẩm máu (khoảng 1 lít máu), cầm máu tăng cường, tiếp tục duy trì các biện pháp đã xử trí trước đó… Trong quá trình chuyển bằng máy bay về, tổ cấp cứu đã theo dõi sâu sát, duy trì tình trạng ổn định cho bệnh nhân ở mức an toàn tối ưu nhất.
Bình luận (0)