Thượng úy công an Nguyễn Đức B. được đưa vào cấp cứu lúc 10 giờ 54 phút sáng 6-10 với các vết đâm gây chấn thương ở vùng tay, vùng lưng, tổn thương phức tạp vùng mặt.
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Bảo Huy, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Thống Nhất, tiến hành khám cấp cứu, chẩn đoán vết thương thấu ngực không loại trừ tổn thương phổi, tim và các mạch máu lớn trong lồng ngực. Kết quả CT ngực phát hiện máu và khí trong lồng ngực anh B. với khối lượng nhiều.
Thượng úy Nguyễn Đức B. được theo dõi hậu phẫu, hiện đã qua cơn nguy kịch (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Các bác sĩ của nhiều chuyên khoa như: Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Cấp cứu, Ngoại Tim mạch Lồng ngực, Phẫu thuật gây mê hồi sức đã tiến hành hội chẩn và quyết định mặc đồ bảo hộ mổ khẩn cấp cho anh B vì bệnh nhân có diễn tiến suy hô hấp nặng, SpO2 giảm thay vì đợi xét nghiệm Covid-19 như quy trình chuẩn.
Ê-kíp phẫu thuật gồm tiến sĩ - bác sĩ Trương Nguyễn Hoài Linh (Khoa Ngoại Tim mạch Lồng Ngực) và bác sĩ chuyên khoa I Ngô Hoàng Viễn (Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình) đã khâu 2 vết thương thấu ngực, vùng lưng, mổ đặt 1 ống dẫn lưu rút máu và khí trong khoang màng phổi phải, khâu vết thương đứt gân gấp nông sâu ngón 2 tay phải, vết thương phần mềm cánh cẳng tay trái, đầu, mặt…
Cuộc phẫu thuật kéo dài 2,5 giờ, truyền 3 đơn vị máu. Sau ca mổ, anh B. có cải thiện huyết áp, chỉ số SpO2 tăng. Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang được tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe tại Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, thượng úy Nguyễn Đức B. là công an khu vực ở phường 10, quận Tân Bình. Ngày 6-10, anh xuống địa bàn nắm tình hình và mời một người nghiện đang được quản lý về phường làm việc thì bị đối tượng này đâm trọng thương.
TP HCM: Kỹ thuật áp dụng lần đầu trên cô gái mắc Covid-19 ho ra máu liên tục
Chiều 7-10, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho hay lần đầu tiên thực hiện nút động mạch phổi để cứu nữ bệnh nhân 26 tuổi mắc Covid-19 ho ra máu liên tục.
Bệnh nhân này được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đầu tháng 8 do mắc Covid-19 nguy kịch, thở máy kéo dài 51 ngày, can thiệp ECMO 38 ngày. Khoảng nửa tháng nay, tình trạng ho ra máu vẫn diễn ra liên tục, kết quả nội soi phế quản cho thấy máu chảy từ phân thùy S6 phổi bên phải.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xử trí nút mạch phế quản cho nữ bệnh nhân Covid-19
Đánh giá tình trạng không đáp ứng điều trị nội khoa và nguy cơ tử vong nếu phẫu thuật là rất cao, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hội chẩn và chuyển bệnh nhân này qua Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị can thiệp nội mạch.
Qua chụp mạch DSA, các bác sĩ xác định vị trí xuất huyết và xử trí nút tắc hoàn toàn bằng hạt PVA (Polyvinyl Alcohol). Khi các chỉ số sinh hiệu ổn định, không còn chảy máu, bệnh nhân được chuyển về lại Bệnh viện Nhiệt đới tiếp tục điều trị.
Theo PGS-TS Lê Văn Phước, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Chợ Rẫy, can thiệp nội mạch nút tắc động mạch phế quản được xem là lựa chọn ưu tiên để điều trị tình trạng ho ra máu hiện nay.
Mỗi năm, nơi đây can thiệp khoảng 200-300 trường hợp ho ra máu, song đây là lần đầu tiên thực hiện trên bệnh nhân Covid-19, mang lại cơ hội sống cho người bệnh.
Ng.Thạnh
Bình luận (0)