Gần một năm rưỡi chống dịch Covid-19, Việt Nam đã từng thành công trong kiểm soát dịch lẫn trong điều trị bệnh nhân. Tỉ lệ tử vong do Covid-19 ở nước ta luôn thấp hơn tỉ lệ trung bình của thế giới. Kết quả này vừa do năng lực và kinh nghiệm của thầy thuốc vừa do ngành y tế tập trung sức người sức của và quyết tâm cứu chữa bệnh nhân.
Vì sao số ca tử vong vừa qua tăng?
Cũng không thể phủ nhận vai trò của công tác phòng dịch, không để cho dịch bùng phát mạnh. Số ca mắc mới thấp, số bệnh nhân chuyển nặng luôn thấp hơn năng lực tiếp nhận điều trị. Vì vậy, các bệnh viện không bị quá tải và đã làm tốt công tác cứu chữa bệnh nhân.
Tại TP HCM trong hơn 1 tháng qua, số ca mắc mới tăng cao, luôn ở mức 3.000 - 4.000 ca mỗi ngày, khiến cho số bệnh nhân chuyển nặng cần nhập viện tăng mạnh. Thời gian nằm viện của bệnh nhân kéo dài, nên sau một thời gian, các bệnh viện bị quá tải trầm trọng. Nhiều người F0 cách ly tại nhà hay tại các cơ sở điều trị tầng dưới khi trở nặng đã không được chuyển đến các trung tâm hồi sức kịp thời. Vì vậy, đến nay, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM tăng, trên 3,5%, vượt tỉ lệ chung của thế giới và cao hơn nhiều tỉnh trong nước có năng lực y tế còn hạn chế.
TP HCM lại là một trong những trung tâm y tế lớn nhất nước. TP cũng được tăng cường lực lượng thầy thuốc chuyên khoa sâu, được hỗ trợ nhiều máy móc hồi sức và nhiều loại thuốc đặc trị. Phần lớn người dân đã được tiêm 1 mũi vắc-xin... Vậy, nguyên nhân tử vong tăng cao là do đâu?
Một số đồng nghiệp đang tham gia chống dịch tại cơ sở đã phản ánh những bất cập khi người F0 trở nặng. Nhiều người không được phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng, hoặc trở nặng nhưng không gọi được xe cấp cứu, hoặc gọi được xe cấp cứu nhưng không liên hệ được cơ sở điều trị do không ai nghe máy hoặc máy bận. Nhiều khi gọi được cơ sở điều trị hoặc thậm chí xe đưa đến nơi nhưng không được tiếp nhận vì quá tải hay nhiều lý do khác. Nhiều khi được tiếp nhận nhưng phải nằm ngoài hành lang, vì giường hồi sức đang đầy bệnh nhân, khi vào được giường hồi sức thì bệnh đã quá nặng... Rất nhiều bệnh nhân Covid-19 đã tử vong trong những hoàn cảnh như vậy, chứ không phải do vượt khả năng điều trị. Rõ ràng là đang có bất cập trong cấp cứu ngoại viện và quá tải hồi sức nội viện.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của F0 đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM. (Ảnh: HUẾ XUÂN)
Không phân tuyến trong xử lý hồi sức Covid-19
Cấp cứu ngoại viện liên quan đến xử lý bệnh nhân tại nhà và vận chuyển cấp cứu. Đến thời điểm này, TP HCM có dưới 100.000 ca F0 đang cách ly tại nhà, mỗi phường xã khoảng 300 - 500 ca. Nếu y tế cơ sở quản lý tốt, đặc biệt là sử dụng phần mềm quản lý y tế và bố trí thầy thuốc tình nguyện theo địa bàn thì có thể có đủ thầy thuốc để theo dõi và tư vấn từng bệnh nhân từ xa. Thầy thuốc sẽ phát hiện những dấu hiệu sớm khi bệnh nhân trở nặng, để hướng dẫn xử trí và hỗ trợ cấp cứu kịp thời. Ngoài các đội xe cấp cứu và xe được hoán cải để vận chuyển cấp cứu, nên khuyến khích sử dụng xe gia đình để đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhanh nhất.
Các bệnh viện hồi sức Covid-19 cần mở "Hành lang cấp cứu" 24/7 để tiếp nhận bệnh nhân từ mọi nơi đưa đến mà không phải liên hệ trước. Cần áp dụng nguyên tắc không phân tuyến trong xử lý hồi sức Covid-19. Điều này rất quan trọng, vì gia đình bệnh nhân và xe cấp cứu chỉ cần biết bệnh viện hồi sức Covid-19 ở gần nhất và đưa bệnh nhân đến. Trách nhiệm xử trí bệnh nhân thuộc về bệnh viện. Sở Y tế thông báo vị trí các bệnh viện hồi sức Covid-19 qua bản đồ trên mạng và trên phương tiện truyền thông. Các bệnh viện hồi sức Covid-19 toàn TP phải được liên thông với nhau trong hoạt động cứu chữa bệnh nhân.
Như vậy, "Hành lang cấp cứu" là sự thông thoáng của dây chuyền cấp cứu, để bệnh nhân Covid-19 dù đang ở nhà hay nằm ở các bệnh viện khác, khi chuyển nặng có thể tiếp cận được với thầy thuốc và phương tiện hồi sức nhanh nhất có thể. Bằng cách này, hy vọng sẽ không để xảy ra những trường hợp tử vong mà lẽ ra trong tầm tay chúng ta có thể xử trí kịp và xử trí được.
Cấp cứu, điều chuyển bệnh nhân kịp thời
Bệnh viện hồi sức Covid-19 có trách nhiệm điều chuyển bệnh nhân để hoàn thành tốt nhất công tác cấp cứu. Điều chuyển nội viện là chuyển bệnh nhân nhẹ hơn ra khu vực khác, để duy trì một cơ số giường hồi sức trống, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý bệnh nhân nặng mới vào. Nếu quá tải và chưa kịp điều chuyển nội viện, bệnh viện có trách nhiệm điều chuyển ngoại viện. Sau khi cấp cứu bệnh nhân, bệnh viện sẽ liên hệ với bệnh viện hồi sức khác và trực tiếp vận chuyển bệnh nhân đến bàn giao bảo đảm an toàn. Sở y tế cần hỗ trợ các bệnh viện hồi sức Covid-19 về nhân lực, kỹ thuật và phương tiện để làm tốt công tác này, để bệnh viện dồn hết sức vào việc cứu chữa bệnh nhân.
Bình luận (0)