Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết tại đây vừa tiếp nhận nam bệnh nhân B.M.H. (38 tuổi, ở Hải Phòng) đến khám với tình trạng chảy máu ở dương vật. Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định vị trí chảy máu liên tục từ vết cắt bao quy đầu.
Bệnh nhân cho biết trước đó có đến một cơ sở xăm hình nghệ thuật để cắt bao quy đầu bằng máy. Gần một tuần sau cắt bao quy đầu, vết mổ bị toác, rách da, chảy máu... Lo sợ bị nhiễm trùng, bệnh nhân đã tới thẳng bệnh viện thăm khám.
Một ca phẫu thuật cắt bao quy đầu tại Bệnh viện Việt Đức
Tại bệnh viện, nam bệnh nhân đã được các bác sĩ cắt lọc da, làm sạch vết mổ và tạo hình lại vết mổ bằng vạt da kề cận. Sau 4 ngày, tình trạng vết mổ đã ổn định, bệnh nhân được xuất viện.
Các bác sĩ Trung tâm Nam học cho biết đã gặp rất nhiều trường hợp chảy máu, nhiễm trùng, vết thương khó liền... do thực hiện thủ thuật cắt bao quy đầu tại nơi không có chuyên môn, thậm chí có người mua dụng cụ về nhà để tự cắt.
Theo giới chuyên môn, cách điều trị hẹp bao quy đầu phổ biến ở người lớn là tiến hành tiểu phẫu cắt bao quy đầu. Đây được đánh giá là thủ thuật đơn giản song vẫn có nhiều biến chứng thường gặp như: Chảy máu, hẹp lỗ tiểu, chấn thương hoặc biến dạng dương vật, đặc biệt không ít trường hợp bị xơ hóa, teo quy đầu sau khi cắt bao quy đầu.
Khi có các triệu chứng trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị sớm. Biến chứng chảy máu sau phẫu thuật cắt bao quy đầu nếu không can thiệp, chữa trị có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về sinh sản ở nam giới như hiếm muộn hay gây viêm nhiễm đường sinh dục.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo nam giới đến tuổi trưởng thành, bao quy đầu không thể tuột xuống thuận theo tự nhiên, gây khó khăn sinh hoạt cá nhân, sinh hoạt tình dục cần đến bệnh viện có chuyên khoa nam học thăm khám và tư vấn phẫu thuật theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bình luận (0)