Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí ACS Applied Materials and Interfaces của nhóm khoa học thuộc Đại học RMIT (Melbourne - Úc) cho biết họ đã thành công trong việc phủ một vật liệu cấy ghép y học bằng loại kim cương đặc biệt được chế tạo trong phòng thí nghiệm.
Một mẫu in 3D bằng titanium đang được bọc kim cương bằng CVD - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Các vật liệu cấy ghép "đời mới", ví dụ khớp háng hay khớp gối, sẽ được tạo ra từ titanium bằng công nghệ in 3D, sau đó tráng kim cương tổng hợp nhờ một buồng gia nhiệt vi sóng.
Đây không phải là kim cương tự nhiên mà là một loại kim cương nano được tạo ra bằng một thiết bị mang tên buồng plasma hơi kim cương hóa học (CVD) với những tinh thể tí hon phù hợp với mục đích y học. Vật liệu cấy ghép sẽ được đưa vào thiết bị này và được tráng một lớp kim cương cực mỏng. Tin mừng là kim cương nano rẻ hơn nhiều so với kim cương tự nhiên nên vật liệu cấy ghép sẽ không nằm ngoài tầm với của bệnh nhân.
Nhà nghiên cứu Kate Fox, một trong các tác giả, cho biết kim cương là vật liệu cực kỳ bền chắc, giúp gia tăng tuổi thọ của vật liệu cấy ghép. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy kim cương có độ tương thích sinh học với xương thật của con người cao hơn titanium. Kim cương có tính kháng khuẩn cao nên cũng giúp bệnh nhân giảm thiểu được nguy cơ nhiễm trùng – một trong những mối lo lớn nhất khi cấy ghép bộ phận nhân tạo vào cơ thể.
Trong y học, kim cương từng được sử dụng trong một số bộ phận nhân tạo như van tim nhân tạo hay tay chân giả. Tuy nhiên, do giá thành kim cương rất đắt đỏ nên một loại kim cương rẻ tiền được tạo ra trong phòng thí nghiệm đưa đến hy vọng cho nhiều bệnh nhân hơn. Các nhà khoa học Úc hy vọng những bộ phận nhân tạo bọc kim cương sẽ nhanh chóng được đưa vào sử dụng rộng rãi.
Bình luận (0)