Nghiên cứu đến từ nhóm tác giả thuộc Viện Thú y Quốc gia (SVA) và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thụy Điển, cho biết họ đã phát hiện virus H5N1 độc lực cao ở một cá thể cá heo Phocoena phocoena bị mắc cạn bên bờ biển nước này.
Đây là một điều đáng lo ngại vì ngoài một số loài hải cẩu nhạy cảm với virus cúm gia cầm này, rất hiếm thấy mầm bệnh nhảy sang động vật biển khác. Nhất là cá heo lại là động vật có vú.
Trước khi mắc cạn, con cá heo xấu số được quan sát trong trạng thái không khỏe và mất tự chủ khi bơi theo vòng tròn. Sau khi mắc cạn nó đã chết và được giải phẫu tử thi.
Virus cúm A/H5N1 - Ảnh minh họa từ Internet
Kết quả xét nghiệm rRT-PCR cho thấy nó không phơi nhiễm với bất kỳ virus thường gây bệnh ở động vật biển có vú nào, nhưng lại có dữ liệu di truyền của virus cúm A/H5N1. Tải lượng virus cao nhất trong não, sau đó là phổi, thận, gan và lá lách.
Virus tấn công vào não đã gây viêm màng não nặng, điều có thể đã khiến nó có hành vi bất thường và đuối nước vì không thể ngoi lên thở.
Các nhà khoa học cho biết nó mắc virus H5N1 nhánh 2.3.4.4b, là loại từng lây cho một số động vật có vú bao gồm con người. Chủng này cũng đang lưu hành trong các loài chim hoang dã.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo sự lây lan bất thường của virus H5N1 sang một động vật có vú khác lạ cho thấy mầm bệnh này có xu hướng mở rộng phạm vi các vật chủ, gia tăng khả năng lây truyền.
Trước đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo hiện tượng virus này nhảy sang một số động vật mới từ vài tháng nay và đang giám sát chặt chẽ, dù vẫn đánh giá nguy cơ gây ra dịch bệnh ở người là thấp.
Có một số trường hợp người bệnh bị lây nhiễm từ động vật nhưng không tạo thành dịch bởi virus này rất khó lây từ người sang người. Nhiều nhà sản xuất vắc-xin trên thế giới cũng đã "lo xa" bằng cách nghiên cứu vắc-xin H5N1 cho con người để dự phòng việc nó biến đổi trong tương lai.
H5N1 ở người được coi là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm vì virus có độc lực cao, được xếp vào cấp cảnh báo cao nhất ở nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Bình luận (0)