Trưởng nhóm nghiên cứu Edwina Yeung cho biết những khảo sát trước đây chỉ chú trọng mối liên quan giữa sự phát triển của trẻ với thể trọng của mẹ lúc mang thai, còn nghiên cứu lần này nêu khả năng mức cân nặng của người cha cũng là yếu tố ảnh hưởng. Nhóm nghiên cứu phát hiện trẻ có mẹ béo phì ít hoàn thành trắc nghiệm kiểm tra về khả năng vận động tinh vi, đòi hỏi độ chính xác - tức khả năng kiểm soát vận động các cơ nhỏ ở ngón tay và bàn tay. Trong khi đó, trẻ có cha béo phì thường khó hoàn thành trắc nghiệm về khả năng giao tiếp và trẻ có cha béo phì nặng thường khó hoàn thành trắc nghiệm về giải quyết vấn đề. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên trẻ em con của 5.000 bà mẹ, lúc trẻ lên 4 tháng tuổi và trắc nghiệm lại 6 lần, đến khi trẻ lên 3 tuổi. Kết quả cho thấy trẻ là con của người mẹ béo phì có khả năng bị rớt cao hơn 70% trong trắc nghiệm về kỹ năng vận động tinh vi so với trẻ là con của các bà mẹ có mức thể trọng bình thường. Trẻ có cha béo phì dễ bị rớt hơn 75% trong trắc nghiệm về lĩnh vực giao tiếp khi lên 3 tuổi so với trẻ là con của người cha có thể trọng bình thường. Trẻ có cha mẹ cùng béo phì dễ bị rớt gấp 3 lần trong trắc nghiệm về giải quyết vấn đề so với trẻ có cha mẹ cân nặng bình thường.
Bình luận (0)