xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cha mẹ chủ quan, trẻ bị tay chân miệng nặng

Bài và ảnh: TRỊNH THIỆP

Bệnh tay chân miệng đang bùng phát trong cả nước nhưng nhiều phụ huynh cứ nghĩ cho con ở nhà hoặc giao cho ông bà là không sao, chỉ đến khi trẻ phát bệnh nặng thì họ mới hay

Trên cộng đồng mạng, các diễn đàn của "mẹ bỉm sữa" thời gian qua liên tục đăng tải những nội dung, hình ảnh về tình trạng trẻ bị tay chân miệng (TCM). Nhiều trường hợp do chủ quan, phụ huynh đợi đến lúc trẻ co giật nhiều, người tím tái mới đưa trẻ đến bệnh viện (BV).

Bệnh nặng đột ngột

Mệt mỏi trong BV đã 8 ngày, chị N.L (Ninh Thuận) nuôi con gái 5 tuổi đang điều trị TCM, kể chị phát hiện bé bị TCM sau 2 ngày bé bệnh nên cho con nghỉ học, điều trị ở nhà. Sang ngày thứ 3, bé có biểu hiện giật mình 3 lần chỉ sau 5 phút. Hốt hoảng gia đình đưa con đến BV thì bác sĩ thông báo bé bị TCM độ 2B. Ở giai đoạn này, bé đã có thể bị tổn thương não, hô hấp và nội tạng. Nếu bé tiếp tục không đáp ứng thuốc thì dùng thuốc đặc trị hơn nữa với giá 5 triệu đồng/liều, có thể phải truyền ống thở, lọc máu.

Cha mẹ chủ quan, trẻ bị tay chân miệng nặng - Ảnh 1.

Một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng độ 4

Khuôn mặt thất thần, người mẹ này nói do chủ quan bé đã từng bị TCM 2 lần nhưng bệnh rất bình thường nên lần này nghĩ cũng vậy. Có ngờ đâu lần này bệnh diễn biến quá nhanh, quá nguy hiểm. "Đoạn đường từ quê vào TP HCM để chữa bệnh cho con xa hàng trăm cây số, trên xe nhìn con co giật, sốt liên tục không hạ, có những lúc tôi đã nghĩ con mình sẽ không qua khỏi. Tôi vô cùng hối hận vì không theo dõi diễn biến bệnh của con kỹ hơn, vì cứ đi làm suốt ngày, giao con cho ông bà ở nhà chăm sóc. Bác sĩ (BS) nói nếu có phục hồi, bé cũng khó có thể trở lại như bình thường…" - người mẹ này nói mà mắt đỏ hoe.

Do biểu hiện của bệnh TCM có nhiều triệu chứng giống với bệnh khác nên bị nhầm lẫn, dẫn đến bé bệnh nặng thì cha mẹ mới hay. Như trường hợp của bé N.H.A, (20 tháng tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP HCM), nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật liên tục... Ba của bé lúng túng cho biết cứ mỗi lần bé mọc răng đều có biểu hiện sốt, biếng ăn, khó chịu nên khi bé phát bệnh TCM gia đình cứ nhầm với… sốt mọc răng. Sau 2 ngày, trên tay, chân, miệng bé nổi dày đặc hồng ban và biểu hiện co giật, sốt cao liên tục, gia đình tức tốc đưa bé vào BV Nhi Đồng 2, BS thông tin bé bị TCM độ 2B...

Ths-BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi Đồng 2, nhận định đang trong mùa dịch, phụ huynh đừng để trẻ bệnh rồi mới chữa bệnh. Cách tốt nhất là phòng ngừa bệnh TCM, sởi, sốt xuất huyết bằng cách hạn chế cho trẻ đến những nơi công cộng, tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Đặc biệt, trong BV để tránh tình trạng lây chéo, phụ huynh không nên cho trẻ ra công viên hoặc tụ tập để tránh lây nhiễm. Đối với những trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên hạn chế tiếp xúc càng nhiều càng tốt, để hạn chế lây lan cộng đồng. Ngoài ra, nên rửa tay khi cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ, nhà cửa, đồ chơi, nền nhà, mền, chiếu, gối của trẻ luôn sạch sẽ. Nếu phát hiện trẻ bệnh TCM, nên cho bé nghỉ học, khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhà và điều trị tại nhà; không nên đến BV để tránh lây chéo và bệnh sẽ nặng hơn.

Tuy nhiên, thấy trẻ có những biểu hiện như sốt cao liên tục không hạ, khi ngủ giật mình, chới với thì nên đưa trẻ đến BV.

Trẻ bệnh vì... người lớn lây

Theo các BS, phụ huynh nên theo dõi 24/24 giờ dấu hiệu bệnh TCM của trẻ để khi cần khai báo càng sớm càng tốt với BS thì rất có lợi cho bệnh nhi. Nhiều trường hợp chủ quan, nhờ ông, bà hoặc người giúp việc trông nom, nên khi bệnh bé trở nặng, phụ huynh không biết. Lúc BS hỏi dấu hiệu bệnh, thời gian bệnh… của trẻ phụ huynh chỉ ậm ừ hay trả lời qua loa. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng bệnh TCM ở cấp độ 4, buộc phải chống sốc, thở máy, lọc máu… thì bé bị biến chứng về thần kinh hoặc ảnh hưởng tứ chi, khó phục hồi như bình thường được, chưa kể đến nguy cơ tử vong.

Rất nhiều phụ huynh đưa con đi khám bệnh TCM thắc mắc như: Bé chưa đi học, không tiếp xúc với người lạ, bé chỉ chơi với ông bà hoặc cha mẹ thôi nhưng sao vẫn mắc bệnh TCM… BS Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, cho rằng bệnh TCM lây truyền do virus, thường từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Ai cũng có thể nhiễm virus nhưng không phải tất cả những người nhiễm virus đều biểu hiện bệnh. Người lớn đôi khi vô tình mang mầm bệnh về và lây cho các bé trong nhà. Vì vậy, phụ huynh cần biết cách phòng tránh bệnh để bảo vệ con em mình. 

Không sao vì con từng bị TCM?

Trên diễn đàn, có rất nhiều bài viết chia sẻ của các phụ huynh có con bị TCM, trong đó, có nhiều phụ huynh có con bị TCM đến lần 3 nhưng vẫn chủ quan vì nghĩ rằng bệnh TCM bình thường. Chỉ đến khi bệnh diễn biến nhanh, nặng độ 4 phải thở máy, lọc máu... thì họ mới nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh TCM. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh hay nhầm trẻ sốt mọc răng, sốt siêu vi... sẽ tự hết mà không nghĩ trẻ đang mắc bệnh TCM cần thăm khám và điều trị sớm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo