Trầm cảm ở thai phụ được biết có liên quan đến trẻ sinh ra bị nhẹ cân và rất dễ non tháng. Các sang chấn ở người mẹ như mất mát người thân, thiếu sự giúp đỡ từ xã hội, bất hòa trong các mối quan hệ làm gia tăng nguy cơ sinh non. Tuy vậy, ít có nghiên cứu đề cập tình trạng trầm cảm ở cha tác động lên sức khỏe người mẹ và thai nhi.
Các nhà khoa học đã khảo sát hơn 350.000 trẻ sơ sinh ở Thụy Điển (từ năm 2007 đến 2012) có cha mẹ bị trầm cảm cùng tỉ lệ trẻ sinh non rất sớm (từ 22-31 tuần) và tương đối sớm (từ 32-36 tuần).
Đối với cha và mẹ, việc xác định họ bị trầm cảm dựa trên quyết định của thầy thuốc khi kê toa hay nhập viện điều trị từ 12 tháng trước khi người mẹ có thai đến cuối tháng 6 của thai kỳ. Bệnh trầm cảm được xếp loại là “mới” khi triệu chứng bệnh không xuất hiện trong vòng 12 tháng trước khi được chẩn đoán, tất cả trường hợp khác được xem như trầm cảm “tái phát”.
Trong khi trầm cảm “mới” và “tái phát” ở người mẹ có liên quan đến sự gia tăng trẻ sinh non tương đối sớm với tỉ lệ khoảng 30%-40% thì trầm cảm “mới” ở người cha liên quan đến sự gia tăng trẻ sinh non rất sớm với tỉ lệ 38%. Riêng trầm cảm “tái phát” ở người cha thì chẳng tác động gì đến vấn đề sinh non.
Các thầy thuốc khuyên rằng bất cứ ai muốn lập gia đình hay dự định có thai mà có sự thay đổi về tính khí, cáu gắt, lo âu thì nên đi khám để được tư vấn, điều trị.
Bình luận (0)