Năm 2015 cũng là dấu mốc kết thúc thời hạn thực hiện các “mục tiêu thiên niên kỷ” do 189 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc ký kết năm 2000, trong đó mục tiêu thứ 4 là giảm tỉ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới mức 25/1.000. Việt Nam hiện nằm trong số 79 quốc gia đã đạt được mục tiêu với tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong là 22/1.000. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tỉ lệ này vẫn có thể giảm hơn nữa nếu chúng ta tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, có thêm tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc bà mẹ - trẻ em.
Theo nhiều chuyên gia, có 3 nhóm nguyên nhân chính khiến trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Đó là các bệnh lý liên quan đến giai đoạn chu sinh, các bệnh nhiễm trùng hô hấp (nhất là viêm phổi, viêm tiểu phế quản) và dị tật bẩm sinh (teo thực quản bẩm sinh, viêm phúc mạc bẩm sinh, sinh ngạt, sinh non, dị tật bẩm sinh ở đại tràng, teo ruột non, dị tật tim).
Ở Việt Nam, vấn đề sinh non rất cần được chú ý vì mỗi năm có khoảng 100.000-150.000 em bé sinh trước 37 tuần thai hoặc dưới 2,5 kg trên tổng số 1,3-1,5 triệu trẻ ra đời. Trẻ sinh non phải đối diện nguy cơ tử vong sơ sinh cao, nếu được cứu sống vẫn có thể gặp nhiều phiền toái ở hệ hô hấp, tiêu hóa, thị giác và có hệ miễn dịch kém.
Bình luận (0)