Việt Nam vốn có nền y học cổ truyền lâu đời và phong phú, hiểu rõ thể trạng người Việt, có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống các bệnh "ôn dịch" và "thời khí". Các chuyên gia y học cổ truyền Việt Nam có đóng góp gì cho việc phòng chống đại dịch COVID-19? Vấn đề này được PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, đặt ra tại Hội thảo khoa học về y dược cổ truyền toàn quốc tổ chức mới đây.
Nhiều bài thuốc hiệu quả
Với chủ đề "Y dược cổ truyền trong phòng và điều trị COVID-19, hậu COVID-19", tại Hội thảo khoa học về y dược cổ truyền toàn quốc, 15 báo cáo khoa học được trình bày đã gợi mở nhiều vấn đề.
Theo PGS Lê Văn Truyền, khi dịch COVID-19 bùng phát cách đây 2 năm, trong bối cảnh y học hiện đại đang lúng túng trong việc phát triển vắc-xin và thuốc hóa dược mới để ngăn chặn dịch bệnh, Trung Quốc đã quyết định kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong nỗ lực cứu chữa cho hàng trăm ngàn bệnh nhân và phòng bệnh cho hàng chục triệu người.
Khám, tư vấn miễn phí cho người bị các triệu chứng hậu COVID-19 ở Viện Y Dược học dân tộc TP HCM, tháng 1-2022
Trong đại dịch COVID-19, 23 tỉnh, thành phố ở Trung Quốc đã áp dụng chương trình điều trị bằng y học cổ truyền theo nguyên tắc "bổ khí" để ngăn ngừa tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Các dược liệu thường được sử dụng gồm: Hoàng kỳ, cam thảo, phòng phong, bạch truật, kim ngân hoa...
Dẫn thêm một số cứ liệu khoa học, chuyên gia dược học Lê Văn Truyền cũng chỉ ra 4 công thức thuốc sắc có công dụng trong điều trị COVID-19. Đó là thanh phế bài độc, cam thảo can giáng, xạ can ma hoàng và thanh phế thủ tiết phù chính.
Trình bày đề tài "Đánh giá hiệu quả của viên nang cứng KOVIR trong phác đồ phối hợp với điều trị nền ở bệnh nhân COVID-19 chưa có biểu hiện suy hô hấp cấp", bác sĩ Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM, cho biết công dụng của sản phẩm này khá rõ ràng. Cụ thể, qua nghiên cứu trên 1.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó 700 người dùng KOVIR và 300 người không dùng, kết quả cho thấy sản phẩm này làm giảm độ nặng và giảm thời gian điều trị các triệu chứng lâm sàng ở những người dùng.
Từ đó, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM cùng nhóm cộng sự kiến nghị nên dùng KOVIR kết hợp phác đồ nền đối với bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa tại nhà, tại các đơn vị điều trị. Việc này có thể giúp làm giảm tỉ lệ chuyển nặng; giảm nhanh, giảm mạnh các triệu chứng; giảm tỉ lệ sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng dùng kèm; rút ngắn thời gian điều trị triệu chứng, giúp giảm tải cho hệ thống y tế.
"Nên sử dụng sản phẩm này càng sớm càng tốt khi phát hiện bệnh. Cần mở rộng việc phối hợp viên nang cứng KOVIR trong phác đồ điều trị triệu chứng COVID-19 tại cộng đồng" - ông Lộc nhấn mạnh.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Mạnh Chính (Đồng Nai) trình bày nghiên cứu về tác dụng điều trị của 4 thuốc thành phẩm cổ truyền Vạn Xuân trên người bệnh COVID-19 giai đoạn sớm mức độ nhẹ tại cơ sở điều trị nội trú - Bệnh viện dã chiến số 7 tỉnh Đồng Nai từ tháng 10 đến tháng 12-2021. Kết quả sau 10 ngày điều trị: Làm giảm trên 90% triệu chứng trong quá trình theo dõi; cải thiện đáng kể thời gian đạt tiêu chuẩn cần thiết xuất viện. Không có trường hợp nào trong nhóm nghiên cứu chuyển nặng hoặc rất nặng. Trong thời gian điều trị, không thấy bệnh nhân nào có các triệu chứng không mong muốn.
Nhiều nghiên cứu mới từ các địa phương cũng cho thấy các phương thuốc y học cổ truyền có hiệu quả tích cực trong việc làm giảm triệu chứng ở người mắc COVID-19.
Phát huy tiềm năng
Đề cập tác dụng của xuyên tâm liên trong điều trị COVID-19, nhóm nghiên cứu của chuyên gia Trần Trọng Biên (Trường Đại học Dược Hà Nội) cho biết đây là nguồn dược liệu phổ biến ở Việt Nam để sản xuất andrographolid - hoạt chất có nhiều tác dụng như chống viêm, hạ sốt, giảm đau, kháng khuẩn, kháng virus.
Trong đại dịch COVID-19, các sản phẩm chứa xuyên tâm liên, nhất là andrographolid, đã được sử dụng hiệu quả trong phòng và điều trị một số triệu chứng viêm đường hô hấp khi nhiễm virus. Trong đó, tiêu biểu là "Thiên sứ thanh phế".
Theo các chuyên gia, trong xu thế phát triển nhanh và mạnh của khoa học công nghệ, việc ứng dụng các thành tựu vào nghiên cứu y dược cổ truyền đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng. Nhiều thành tựu mới của y dược cổ truyền Việt Nam đã góp phần cùng với y học hiện đại tạo dựng nền y học tiên tiến, xứng tầm khu vực và thế giới.
Thời gian qua, y dược cổ truyền có vai trò tích cực trong việc điều trị COVID-19 và hậu COVID-19. Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, đánh giá tác động của những bài thuốc, phương pháp điều trị mới để phát huy thế mạnh của y dược cổ truyền trong việc tham gia phòng chống các dịch bệnh mới nổi, cấp tính.
Điện châm chữa trị hậu COVID-19
Tại hội thảo, nhóm tác giả Trần Lê Minh (Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Trung ương Huế) đã trình bày về hiệu quả của điện châm trong điều trị chứng đau đầu hậu COVID-19. Nghiên cứu được thực hiện trên 40 bệnh nhân, tất cả đều được can thiệp bằng phương pháp điện châm mỗi ngày một lần trong thời gian 20 phút. Sau 7 ngày điện châm, chứng đau đầu giảm và không có trường hợp nào xuất hiện các tác dụng không mong muốn.
Điện châm là một phát triển của ngành châm cứu, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Phương pháp này dùng dòng xung điện tác động kích thích lên huyệt vị, huyệt đạo để chữa bệnh.
Bình luận (0)