Sở Y tế TP HCM vừa họp Hội đồng Khoa học để ban hành bộ tiêu chuẩn cho buồng áp lực âm - dạng phòng cách ly đặc biệt (giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong điều trị) hiện đang được nhiều tỉnh, thành trên cả nước lắp đặt trong mùa dịch Covid-19.
Bảo vệ tối đa nhân viên y tế
Vừa qua, một số nhân viên y tế ở Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) được xác nhận bị nhiễm bệnh trong quá trình điều trị bệnh nhân nặng mắc Covid-19. Tại TP HCM dù chưa có trường hợp nào tương tự nhưng vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế luôn được đặt ra. Bởi nếu nhân viên y tế nhiễm bệnh, không chỉ là thiệt hại cho bản thân và gia đình họ, mà họ có thể trở thành nguồn lây nhiễm nguy cơ cao; đồng thời là thiệt hại cho lực lượng y tế, cũng như có thể phải "đóng băng" nhiều khu vực điều trị.
Đầu tư các buồng áp lực âm là một trong những biện pháp đang được chính quyền và ngành y tế TP HCM chú ý. Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), nơi có các buồng áp lực âm đã được vận hành nhiều năm nay tại Khoa Nhiễm, dạng phòng cách ly này rất tốt trong công tác điều trị các bệnh nguy hiểm do virus như cúm H5N1, bệnh Covid-19… hay các bệnh nhân nặng nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc vì giúp nhanh chóng loại bỏ mầm bệnh tồn tại trong không gian, giảm thiểu nguy cơ nhân viên y tế bị lây nhiễm.
Lối vào khu cách ly bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
Còn theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cần hiểu buồng áp lực âm không phải phương tiện điều trị, mà là để cách ly bệnh nhân được an toàn vì áp lực âm giúp tránh lây lan mầm bệnh. Trong giai đoạn đầu như hiện nay, buồng áp lực âm dùng để cách ly những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Nếu dịch bệnh bùng phát, có nhiều ca hơn thì buồng áp lực âm sẽ được ưu tiên cho các bệnh nhân suy hô hấp, hoặc cần can thiệp các kỹ thuật điều trị có nguy cơ tạo ra nhiều giọt bắn mang mầm bệnh.
Rất cần người dân phối hợp
Theo BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1 TP HCM, điều đầu tiên nên làm hiện nay là không nên hoảng loạn. Để ngăn ngừa lây nhiễm trong BV, ngoài các biện pháp phòng bệnh đã được nói từ đầu mùa như rửa tay, khẩu trang…, thời điểm này người dân cần ý thức không đi thăm bệnh. "Chỉ nên đi thăm nếu thật sự cần thiết, ví dụ tiếp tế cho người nằm viện và cố gắng càng nhanh càng tốt. Đừng đi thăm chỉ để hỏi thăm sức khỏe, như vậy mang lại nguy cơ cho mình, gia đình mình lẫn người được thăm và những người khác trong BV" - BS Khanh nói.
Thời điểm này, người bệnh nên chủ động giữ liên lạc với BS của mình để có thể giải quyết từ xa những vấn đề chưa cần thiết phải gặp nhau. Khi đi khám bệnh, khám xong về ngay, không nên đi lang thang trong BV.
"Ngoài ra, để BV thật sự an toàn, một số biện pháp khác cũng cần thực hiện đồng bộ, các BS, điều dưỡng, hộ lý… phải có phương tiện phòng hộ đúng chuẩn; nhân viên hành chính, các bộ phận cung cấp dịch vụ trong BV cũng cần được kiểm soát sức khỏe chặt chẽ. Với bệnh nhân và thân nhân ra vào BV đều phải được khai báo y tế, thông báo rõ ràng 14 ngày qua có đi đâu, làm gì… Bệnh nhân có nguy cơ phải được sàng lọc và kiểm tra sức khỏe theo khu vực riêng, tách biệt với các khu vực khác của BV" - BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo.
Chiếc nón ngăn giọt bắn
Cách đây 2 tuần, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP HCM, đã giới thiệu chiếc nón giúp ngăn giọt bắn mang mầm bệnh, được các đồng nghiệp khoa ông tự chế. Chỉ cần 1 vòng đệm buộc quanh đầu và 1 miếng hồ sơ bằng nhựa trong mua ở cửa hàng văn phòng phẩm là làm được chiếc nón. Sản phẩm này đã lan tỏa và được nhiều BV khác làm vì chi phí rẻ nhưng rất hữu hiệu để phòng dịch Covid-19 cho nhân viên y tế lẫn người dân.
Bình luận (0)