Bác sĩ Từ Kim Thanh - Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết người phải chạy thận nhân tạo chỉ cần bỏ chạy thận 1 lần là phù phổi, ngưng tim và có thể đột tử.
Không còn lo tìm nơi chạy thận
Dịch Covid-19 tại TP HCM đang diễn biến phức tạp, quy trình an toàn và tránh lây nhiễm chéo được thực hiện nghiêm nên không ít bệnh viện chưa đáp ứng đủ điều kiện, khiến nhiều bệnh nhân lâm vào cảnh không tìm được nơi chạy thận định kỳ.
Phòng chạy thận tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nhân viên y tế và bệnh nhân đều phải mặc đồ bảo hộ để phòng chống Covid-19
Từ nhu cầu cấp thiết này, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã triển khai mô hình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn đang sinh sống trong các khu vực phong tỏa, hoặc những bệnh nhân là F2 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, hoặc chưa có kết quả xét nghiệm và chưa có triệu chứng.
Nằm chờ lọc máu, bà P.T.S (80 tuổi, ngụ quận Bình Tân), cho biết không thể đến bệnh viện từng chạy thận định kỳ, vì bệnh viện không có khu vực chạy thận riêng biệt. Bà S. được trung tâm y tế địa phương giới thiệu và chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh. "Giờ thì sức khỏe của tôi đã ổn định. Mong rằng mô hình chạy thận này sẽ được áp dụng ở một số bệnh viện khác để người dân được chăm sóc sức khỏe kịp thời" - bà S. nói.
Còn với anh L.V.H (35 tuổi, ngụ chung cư Sài Gòn Metro Park, TP Thủ Đức, TP HCM) đang trên đường tới Bệnh viện TP Thủ Đức để chạy thận thì nhận được tin báo chung cư nơi mình ở bị phong tỏa do có ca nghi mắc Covid-19. Khi vào bệnh viện anh đã khai báo y tế và được cách ly lấy mẫu xét nghiệm. Dù kết quả âm tính nhưng do bệnh viện không có phòng chạy thận riêng cho người thuộc đối tượng cách ly nên anh được chuyển sang Bệnh viện Lê Văn Thịnh để chạy thận.
"Tôi chạy thận được hơn 1 năm, 1 tuần phải chạy định kỳ 3 lần. Nếu chỉ cần 1 ngày không được lọc máu là cơ thể rất mệt, cao huyết áp. Khu chạy thận của Bệnh viện Lê Văn Thịnh có đầy đủ về trang thiết bị nên tôi đã được kịp thời điều trị. Nếu không có khu chạy thận riêng cho người phải cách ly, tôi nghĩ các bệnh nhân như tôi sẽ rất vất vả" - anh H. chia sẻ.
Bác sĩ Từ Kim Thanh cho biết công tác trung chuyển bệnh nhân từ khu cách ly, phong tỏa về bệnh viện bảo đảm việc khử khuẩn, mặc đồ bảo hộ cho người bệnh, người trung chuyển, lối đi riêng, phun khử khuẩn xe và người bệnh.
Dành giường cho người chạy thận
Ghi nhận tại khu chạy thận nhân tạo cho người cách ly tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, tất cả quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, nguồn nước RO đến lối di chuyển của người bệnh, nhân viên y tế đều được quản lý chặt chẽ. Trong phòng chạy thận, nhân viên y tế túc trực và bệnh nhân đều mặc đồ bảo hộ.
Mỗi giường bệnh bảo đảm khoảng cách 2 m. Mỗi ca chạy thận khoảng 3-4 giờ. Sau mỗi ca, nhân viên y tế thực hiện phun khử khuẩn, vệ sinh phòng bệnh, hệ thống chạy thận. Sau khử khuẩn, 2 giờ tiếp theo mới tiếp nhận ca chạy thận mới. Tất cả nhằm bảo vệ tối đa cho bệnh nhân, bảo đảm việc phòng chống dịch Covid-19.
Bác sĩ Phan Văn Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết các bệnh nhân chạy thận ở khu vực cách ly, phong tỏa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) và Sở Y tế điều chuyển về. Đối với bệnh nhân ở trong khu phong tỏa đang chờ kết quả thì phải có phòng riêng để chạy thận nhằm bảo đảm không có sự lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo bác sĩ Đức, hiện khu chạy thận nhân tạo cho người cách ly trong khu vực bị phong tỏa, có 10 máy. Một ngày chạy 4 ca, tương đương với 40 bệnh nhân. "Tạm thời mô hình này sẽ giải quyết được bài toán số lượng bệnh nhân lọc máu định kỳ nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa của toàn thành phố" - bác sĩ Đức cho biết.
Bác sĩ Kim Phúc Thành, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết sắp tới, bệnh viện sẽ bố trí 1-2 phòng riêng biệt dành cho bệnh nhân có nghi ngờ Covid-19 trong khu cách ly và phong tỏa cần chạy thận.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết sở đã có văn bản yêu cầu tất cả bệnh viện có chạy thận nhân tạo tiếp tục triển khai dịch vụ này, dành một số giường riêng biệt để tiếp nhận những người ở khu cách ly đến chạy thận, tránh tập trung quá đông bệnh nhân về Bệnh viện Lê Văn Thịnh như hiện nay để phòng chống hiệu quả dịch Covid-19.
Bình luận (0)