Nguồn nước có vai trò quan trọng trong quá trình chạy thận nhân tạo
Tại hội thảo khoa học an toàn trong thận nhân tạo "Ứng dụng nước RO - dịch lọc trung tâm" ngày 31-10, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nước có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chạy thận nhân tạo.
Mỗi lần lọc thận trong khoảng 4 giờ, máu bệnh nhân phải tiếp xúc với khoảng 120 lít nước dịch lọc, trong khi người bình thường mỗi ngày máu chỉ tiếp xúc với 2 lít nước (ít hơn 60 lần). "Nếu nước không bảo đảm sẽ không chỉ ảnh hưởng tức thì đến quá trình chạy thận mà còn ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Bệnh nhân có thể bị phản ứng ngay lập tức là sốt, rét run, buồn nôn, tụt huyết áp, đau cơ… lâu dài sẽ bị suy giảm miễn dịch, xơ vữa mạch máu…"- bác sĩ Dũng nói.
Trước đó, sự cố y khoa nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong và sự cố chạy thận nhân tạo xảy ra ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An khiến nhiều người phải cấp cứu cũng được xác định do nguồn nước chạy thận không bảo đảm.
PGS-TS Nguyễn Nguyên Khôi, chuyên gia thận nhân tạo, thành viên Ủy ban ghép thận Việt Nam, cho biết do chi phí chạy thận nhân tạo ở Việt Nam hiện mới chỉ bằng 50% mức thấp nhất của thế giới nên chất lượng chạy thận nhân tạo ở nhiều cơ sở y tế còn những hạn chế. "Trên thế giới, chi phí cho một lần chạy thận nhân tạo thấp nhất vào khoảng 70 USD (khoảng 1,5 triệu đồng), ở những nước phát triển như Mỹ, Nhật chi phí này lên tới 300 USD/lần, trong khi chi phí chạy thận nhân tạo ở Việt Nam chỉ khoảng 30 USD/lần (khoảng 650.000 đồng)"- PGS Khôi nói.
Ứng dụng hệ thống pha dịch lọc trung tâm cho bệnh nhân lọc thận tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp
Theo PGS Khôi, quá trình lọc thận nhân tạo dễ xảy ra tai biến nếu không kiểm soát tốt, nên thời gian qua, nhiều bệnh viện đã đầu tư máy móc, hệ thống xử lý nước RO hiện đại, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Tại miền Bắc, một số bệnh viện công như Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) đã ứng dụng quy trình pha dịch lọc trung tâm để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn cho bệnh nhân trong quá trình chạy thận nhân tạo.
Giới chuyên môn cho biết với những người không thể ghép thận thì chạy thận nhân tạo được xem là một phương pháp điều trị cuối cùng cho người suy thận giai đoạn cuối. Tại Việt Nam khoảng 30.000 người đang được điều trị thay thế thận (lọc thận, lọc màng bụng và ghép thận). Nhờ có phương pháp lọc máu bằng thận nhân tạo mà bệnh nhân tử vong do suy thận cấp từ 70-80% trước khi có thận nhân tạo, giảm xuống còn trên dưới 10% và bệnh nhân suy thận mạn được kéo dài cuộc sống hàng chục năm, chất lượng cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn.
Bình luận (0)