Tôi gặp bác sĩ (BS) Manlio Ottonello lần đầu cách đây vài năm khi ông đồng ý tiếp tôi ngay tại phòng mổ của Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM. Lúc ấy, ca vi phẫu phức tạp cho một bé gái mới hơn 5 tuổi sắp xong.
Một người mẹ cười hạnh phúc trước những câu hài hước của ông bác sĩ Tây cũng như khi biết ca mổ cho con gái yêu đã thành công Ảnh: HOÀNG TRIỀU
KHÁC NGƯỜI. Trong những tấm hình bệnh nhi chụp trước phẫu thuật, cánh tay bé xíu mềm oặt, không cử động bình thường được, vài ngón còn dính lại với nhau. Còn giờ đây, mặc dù bàn tay vẫn chi chít chỉ khâu nhưng đã ra hình dáng 5 ngón nhỏ xinh nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay to lớn của 2 vị BS - một Tây, một ta.
Phòng mổ hôm ấy có nhiều điều đặc biệt. Ngoài BS mổ chính và phụ mổ còn có nhiều BS Việt Nam, sinh viên y nước ngoài đứng xem và ghi chép. Ông BS Tây chủ trì ca mổ vừa tỉ mỉ với những đường kim mũi chỉ vừa liên tục giảng giải về điều mình đang làm bằng tiếng Anh chậm rãi, rành mạch. “Điều gì các bạn chưa hiểu thì hỏi BS Tuấn thêm nhé!” - ông chỉ vào đồng nghiệp trẻ đang phụ mổ bên cạnh. Không gian phòng mổ hôm ấy thay cho tiếng dao kéo lạnh lẽo là giai điệu bản hòa tấu nhạc phẩm Bà mẹ quê của nhạc sĩ Phạm Duy. Sau này, ông BS luôn yêu cầu “Music!” ngay từ đầu mỗi ca mổ, tiết lộ rằng đó là liều thuốc hữu hiệu để tinh thần ông được thoải mái trong một ngày kín lịch phẫu thuật.
Ca mổ cho bé gái 5 tuổi gần xong thì phòng mổ bên cạnh sáng đèn, một bé trai khác sắp được hoàn tất công đoạn gây mê. “Hôm nay, cánh cửa đơn ngăn giữa 2 phòng mổ được mở ra. Vì cả hai phòng đều dành cho ông Ottonello cả” - một BS Khoa Gây mê - Hồi sức giải thích.
Hình ảnh những đứa trẻ nghèo dị tật luôn là mối bận tâm của BS Ottonello. Thông qua tổ chức phi chính phủ Heart and Hope, vị BS 54 tuổi đã nhiều lần gác lại công việc bộn bề của một giám đốc BV Phẫu thuật tạo hình và Phục hồi chức năng Santa Corona (Ý) để đi khắp thế giới, tìm đến bệnh nhi. Ông đến tận những vùng quê nghèo nhất của Ấn Độ, Peru, Ecuador… và cả Việt Nam. Tại Việt Nam, ông đã có 12 chuyến viếng thăm và hợp tác với nhiều BV. Trong đó, BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM là nơi ông chọn để gắn bó bởi đã thân thiết và thích cách làm việc của các đồng nghiệp tại đây. Hơn nữa, khi ông rời Việt Nam, các đồng nghiệp ở đây sẽ tiếp tục chăm sóc hậu phẫu, tập vật lý trị liệu, tái khám... cho các bé hoàn toàn miễn phí, để món quà mà vị BS phương xa gửi lại thực sự trọn vẹn.
ĐÁNG NỂ. Hành trang đến Việt Nam của BS Ottonello không có áo blouse, chỉ là những chiếc quần jeans và áo sơ mi đơn giản bởi hầu hết thời gian ông đều trong màu áo xanh của phòng phẫu thuật.
“Ông ấy làm việc dữ dội lắm, chúng tôi hỏi gì, cần hướng dẫn gì, ông đều sẵn lòng nhưng muốn mời ông đi chơi thì cực kỳ khó” - BS Ngô Anh Tuấn, Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình - BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết. BS Tuấn là một trong những người được phân công đồng hành với ông Ottonello những ngày ông ở Việt Nam, trong các ca mổ cũng như các chuyến đi tỉnh. Và những ngày ấy thực sự bận rộn.
Lịch phẫu thuật của BS Ottonello lên đến 7-8 ca/ngày và liên tục 3-4 ngày liền trong mỗi chuyến thăm Việt Nam. Con số ngoài sức tưởng tượng với nhiều phẫu thuật viên bởi thông thường, 3-4 ca/ngày đã rất vất vả. Đã vậy, nhiều lần chúng tôi bắt gặp những người cha, người mẹ nghèo do lặn lội đường xa nên đưa con đến muộn ngày khám sàng lọc, được các BS Việt dẫn thẳng vào phòng mổ để hỏi ý ông. Thấy nhiều cháu thực sự nặng, không suy nghĩ, ông điền tên ngay vào những tờ lịch mổ do chính ông viết tay. Vậy là có những ngày số ca mổ lên đến 9-10 ca. Vị BS phải làm việc liên tục ở 2 phòng mổ, ca này sắp xong, chỉ còn vài mũi khâu đơn giản hay băng bó lại, ông nhờ các đồng nghiệp trẻ làm tiếp rồi qua ngay phòng bên cạnh nơi ê-kíp gây mê - hồi sức đã chuẩn bị xong cho một bệnh nhân khác.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của ông là bữa trưa gọn nhẹ kèm ly cà phê uống vội.
“CHÌA KHÓA” NHIỆM MẦU. Cụm từ “chiếc chìa khóa” luôn được BS Ottonello nhắc đến trong các cuộc trò chuyện với chúng tôi. “Tôi đến Việt Nam không phải chỉ để phẫu thuật cho những em bé. Điều tôi mong hơn cả là khi rời Việt Nam, các bạn tôi ở đây sẽ tiếp tục và tiếp tục giúp thêm thật nhiều em bé nữa bằng những kỹ thuật tôi đã chuyển giao. Đó mới là chiếc chìa khóa tôi muốn trao cho các bạn tôi và thật mừng vì họ đã làm rất giỏi. Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 2009 và tôi sẽ đến nhiều lần nữa. Có thể các bạn sẽ gặp lại tôi vào tháng 5 tới. Tôi rất yêu những em bé Việt Nam” - ông nói.
BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, là người thường xuyên có mặt trong những buổi phẫu thuật đặc biệt ấy để cùng các đồng nghiệp học kỹ thuật mới. Cùng là phẫu thuật viên chỉnh hình lâu năm, tình bạn giữa 2 vị BS nhiều năm qua đã đưa “chiếc chìa khóa” nhiệm mầu tới số lượng bệnh nhi có lẽ đã gấp vài lần con số 450 mà BS Ottonello trực tiếp mổ.
“Trong số các kỹ thuật BS Ottonello chuyển giao cho chúng tôi, có thể nói đặc sắc nhất là việc mổ phục hồi chức năng bàn tay cho trẻ bại não. Có một đứa con bại não với khả năng nhận thức hạn chế cùng nhiều dị tật vận động khó khắc phục trước giờ vẫn là nỗi đau, nỗi khổ của các cặp vợ chồng và ở đây chúng tôi có rất nhiều bệnh nhân như thế. So với việc tập phục hồi chức năng đơn thuần, trẻ được phẫu thuật sớm có cơ hội sử dụng được đôi tay thành thạo cao hơn rất nhiều. Tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, BS chỉnh hình chuyên về chi trên ít hơn chi dưới nên những kỹ thuật ông chuyển giao cho chúng tôi càng quý giá” - BS Ánh chia sẻ.
Càng nhiều chuyến đến Việt Nam, BS Manlio Ottonello càng có thêm nhiều bệnh nhi và nhiều cuộc hẹn. Các cháu bé ông giúp, nhiều em bị đa dị tật hoặc dị tật phức tạp không thể phẫu thuật một lần là xong. Với tâm niệm muốn giúp cho đến nơi, cho trọn vẹn, ông luôn để lại những cuộc hẹn và luôn trở lại tìm họ để thực hiện lời hứa.
Bởi vậy, nhiều phụ huynh cho rằng điều mà ông BS Tây cho con họ là một giấc mơ có thật!
Bình luận (0)