Ngày 7-9, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo số 279/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về tự chủ bệnh viện thuộc Bộ Y tế.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá việc thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K theo các nội dung tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19-5-2019 của Chính phủ "Về thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế".
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đề nghị dừng thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 33
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-9 để có thể báo cáo Chính phủ trong tháng 9 năm 2022.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam.
Trước đó, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã xin dừng triển khai thí điểm tự chủ do nhiều nguyên nhân. Hai bệnh viện này đề nghị được thực hiện theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là các bệnh viện tuyến cuối ở miền Bắc và là 2 trong 4 bệnh viện (Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy) được giao thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 (ban hành năm 2019). Tuy nhiên, đến nay chỉ có Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33.
Nghị quyết 33 giao bệnh viện tự chủ toàn diện, tức được quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá được Bộ Y tế ban hành; kê khai, công khai giá theo quy định pháp luật. Bệnh viện quyết định quy mô, lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn, thực hiện mô hình như doanh nghiệp, có hội đồng quản lý mà không cần thông qua Bộ Y tế.
Nghị định 60 ban hành năm 2021 quy định về tự chủ tài chính, bao gồm: Danh mục và giá, phí dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước; phân loại chi tiết hơn mức độ tự chủ tài chính; cách thức xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên; quy định các nguồn tài chính của đơn vị... Trong đó nhóm hai không cần tự đảm bảo chi phí đầu tư như nhóm một, chỉ tự đảm bảo các khoản chi thường xuyên như lương, các khoản góp theo tiền lương, hoạt động chuyên môn, phí quản lý...
Tại cuộc họp với Thủ tướng và các bộ ngành mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. Nhiều ý kiến cho rằng việc chưa thể thực hiện tự chủ toàn diện là do giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ; chưa có khung giá dịch vụ y tế theo yêu cầu.
Bình luận (0)