Theo các bác sĩ (BS), nếu không được chữa trị kịp thời, hội chứng ống cổ tay có thể gây ra teo cơ do tổn thương thần kinh, thậm chí liệt tay.
Thường gặp ở phụ nữ
Làm công việc thường xuyên phải đánh máy, chị T.H.P (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết khoảng vài tháng trước, chị thỉnh thoảng bị tê tay nhưng sau đó tự hết. Tuy nhiên, dạo gần đây nếu đánh máy là bị đau kèm cổ tay bị sưng. Chị P. đến bệnh viện thăm khám và được BS chỉ định đo điện cơ, cuối cùng chẩn đoán chị mắc hội chứng ống cổ tay.
"Thời gian đầu cứ nghĩ do mình ít vận động và thường xuyên gõ bàn phím máy tính nên tôi chủ quan. Sau đó, tình trạng ngày càng nặng gây khó khăn trong công việc. Hiện tôi phải uống thuốc điều trị và hạn chế đánh máy" - chị P. cho biết.
Bà N.P.N (50 tuổi, ngụ Bình Dương) đã điều trị hội chứng ống cổ tay nhiều lần vì căn bệnh thường xuyên tái phát. Bà N. cho biết bà điều trị bệnh cách đây hơn 7 năm. Thời gian đầu, bà bị tê các ngón tay khi làm việc hoặc khi thức dậy nhưng nghĩ do bị phong thấp nên đã tự điều trị tại nhà. Sau đó tình trạng không cải thiện, bà đến bệnh viện thì được BS chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay.
"Sau khi điều trị bằng thuốc các triệu chứng đau, sưng cổ tay không còn nhưng cứ khoảng 5 năm tôi lại phải vào bệnh viện khám lại vì tái phát. Bây giờ phải sống chung với bệnh" - bà N. nói.
Theo TS-BS Đinh Vinh Quang, Trưởng Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), hội chứng ống cổ tay chiếm khoảng 5% trong dân số và thường gặp ở phụ nữ. Người bị hội chứng ống cổ tay thường đau, tê ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón đeo nhẫn, đau cổ tay và đôi khi vùng cẳng tay. Khi phải vận động cổ tay, ngón tay nhiều như lái xe máy, đánh máy vi tính… thì triệu chứng tê và đau sẽ nặng hơn. Một số trường hợp nặng bệnh nhân sẽ biểu hiện yếu tay, cầm đồ vật dễ rớt.
"Nếu đột nhiên cảm thấy tê, ngứa ran hoặc yếu tay và tình trạng này càng ngày càng nặng hoặc cảm giác các ngón tay sưng phồng, đau, tê bì tay, gặp khó khăn khi thực hiện các động tác mà bình thường vẫn làm tốt như cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách... là đã bị mắc hội chứng ống cổ tay" - BS Quang thông tin.
TS-BS Đinh Vinh Quang thăm khám cho một bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay
Bệnh dễ tái phát
TS-BS Đinh Vinh Quang cho biết ống cổ tay được cấu tạo 2 bên là xương cẳng tay gồm xương giữa và xương quay, phía trên và phía dưới là dây chằng tạo thành đường hầm. Trong đường hầm có dây thần kinh, mạch máu và gân cơ, khi dây thần kinh giữa bị tổn thương, chèn ép thì sẽ gây tê, đau cho bệnh nhân.
Hội chứng ống cổ tay dễ tái phát vì liên quan đến nghề nghiệp. Nếu xác định được nguyên nhân sẽ điều chỉnh cách điều trị hoặc phải thay đổi về nghề nghiệp.
"Ví dụ, với các tài xế xe ôm thường xuyên phải vặn tay ga, hay người làm văn phòng phải gõ phím… Nguyên nhân gây bệnh vẫn còn thì bệnh sẽ dễ tái phát. Ngoài ra, với một số trường hợp bị mắc hội chứng ống cổ tay do có các bệnh lý nội khoa như tiểu đường, béo phì, suy thận… Tuy nhiên, nếu kiểm soát tốt bệnh lý nền thì sẽ tránh được hội chứng ống cổ tay" - BS Quang tư vấn.
Khi thăm khám, BS sẽ khai thác tiền sử nghề nghiệp, sau đó người bệnh sẽ được chỉ định đo điện cơ. Đa số người bệnh được điều trị triệu chứng bằng nội khoa là dùng thuốc. Trung bình sau 2 tuần dùng thuốc triệu chứng đau sẽ hết. Thỉnh thoảng phải xoa bóp vùng cổ tay, bàn tay sau khoảng hơn 1 giờ làm việc.
Người thường xuyên gõ bàn phím cần phải có thời gian nghỉ ngơi xoa bóp cổ tay, khi đánh máy tính cần có vật dụng mềm lót cổ tay để giảm áp lực các dây thần kinh. Đối với tài xế, nên hạn chế lái xe quá xa hoặc sử dụng cổ tay quá nhiều khi chạy xe, đồng thời giữ bàn tay, ngón tay ấm, bởi càng lạnh thì các ngón tay càng tê. Với người làm công việc nặng như các ngành xây dựng, công nghiệp… cần hạn chế hoạt động cổ tay trong thời gian quá lâu.
Theo BS Quang, phần lớn các trường hợp hội chứng ống cổ tay có thể khỏi khi người bệnh thay đổi môi trường làm việc, thay đổi cách sống cho khoa học và hợp lý. Riêng những trường hợp hội chứng ống cổ tay thể nặng cần phải được điều trị nội khoa tích cực, nếu không chuyển biến thì phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Bình luận (0)