Khi nào lưu ý chứng nhức đầu ở trẻ con?
Cần hỏi kỹ thời gian và các tình huống gây nhức đầu. Phần lớn các bậc cha mẹ có thể nhận biết nguyên nhân làm trẻ nhức đầu như thức khuya, chơi lâu ngoài trời nắng, bị va chạm ở đầu... Nếu không tìm được mối liên hệ và tình trạng nhức đầu luôn tái diễn, cần đưa trẻ đến bác sĩ. Cũng cần chú ý những triệu chứng đi kèm với nhức đầu như lừ đừ, sốt cao, giảm thị lực, nôn ói hoặc co giật, yếu liệt tay chân...
Nguyên nhân nhức đầu
Trẻ nhỏ có thể bị nhức đầu vì sâu răng, viêm tai, viêm mũi xoang, mọc răng, nóng sốt... Trẻ lớn hơn có thể bị nhức đầu do bệnh đau nửa đầu, cảm sốt, viêm mũi xoang, viêm đường hô hấp... Ngoài ra, khi nhức đầu có kèm theo sốt cao kéo dài, mệt mỏi, bầm chảy máu dưới da, nổi hạch... thì phải nghĩ đến bệnh bạch cầu cấp. Nhức đầu kèm theo triệu chứng nôn ói tăng dần, tái diễn vào buổi sáng sớm có thể là biểu hiện bướu não ở trẻ em.
Nhức đầu thông thường có thể điều trị ở nhà bằng cách lau mát cho trẻ, cho uống thuốc giảm đau, cho nghỉ ngơi. Nếu nhức đầu tái diễn với những biểu hiện sốt cao, nôn ói, mệt mỏi, mờ thị lực hay co giật, yếu liệt tay chân... cần đưa trẻ đến khám bệnh ở những cơ sở y tế. Các bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử, thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để định bệnh và điều trị thích hợp.
Cha mẹ cần tìm hiểu, theo dõi kỹ chứng nhức đầu ở trẻ em để can thiệp xử trí kịp thời, không nên lơ là, mất cảnh giác với chứng nhức đầu ở trẻ em.
Bình luận (0)