Nếu dựa vào tuổi trung bình của người dân, Việt Nam rõ ràng đang là một quốc gia rất “trẻ”. Đáng mừng nhưng cũng có điểm đáng lo. Bên cạnh số bệnh nhi đông đảo cần được điều trị đến nơi đến chốn để tránh di chứng khi trưởng thành, quan trọng hơn nhiều là làm sao bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu trẻ con trên cả hai mặt tâm thể.
Từ nhận thức đó, y sĩ đoàn ở CHLB Đức mới đây đã phổ biến cho người dân một số tiêu chí để đánh giá phong cách phục vụ và chất lượng chuyên môn của thầy thuốc nhi khoa. Theo đó thầy thuốc phải:
- Sắp xếp sao cho có đủ thời giờ để thăm khám mỗi bệnh nhi. Thời gian khám bệnh phải lâu hơn so với người lớn vì trẻ con thường khóc la, nôn ọe…
- Tránh tình trạng quá tải trong phòng đợi vì vừa là áp lực trên tâm lý của trẻ vừa là điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan.
- Ghi chép bệnh sử đầy đủ để bất cứ đồng nghiệp nào khác khi tiếp tục công việc chữa trị đều có đủ tư liệu về diễn tiến của bệnh tình. Hồ sơ bệnh án phải giao một bản cho thân nhân của bệnh nhi để thông tin cho thầy thuốc khác nếu trẻ có lúc nhập viện.
- Từ tốn giải thích cho trẻ từ 2 tuổi trở lên về thao tác và mục tiêu khám bệnh để trẻ đừng có ấn tượng sai lệch về hình ảnh hăm dọa của thầy thuốc, để trẻ đừng sợ hãi về việc khám chữa bệnh.
- Giải thích về chẩn đoán và chỉ tiến hành điều trị khi có sự chấp thuận của thân nhân.
- Lịch sự và kín đáo với bệnh nhi như với người lớn.
- Đặc biệt lưu tâm tình trạng tâm lý của bệnh nhi thay vì chỉ tập trung vào triệu chứng bệnh lý thực thể.
- Mạnh dạn tra cứu sách vở hay liên hệ với đồng nghiệp chuyên khoa khác nếu không chắc chắn về chẩn đoán cũng như thao tác điều trị.
- Dùng thuốc an toàn cho bệnh nhi thay vì chọn ngay thuốc mạnh, nếu không tuyệt đối cần thiết. Ưu tiên cho dược thảo thay vì tập trung vào hóa chất tổng hợp.
- Hướng dẫn thân nhân về chế độ dinh dưỡng, thao tác vật lý trị liệu, biện pháp vệ sinh… nhằm đồng thời tăng cường sức đề kháng, thay vì chỉ biên toa cho thuốc đặc hiệu.
- Báo cho bệnh nhân số điện thoại cá nhân để thân nhân có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
- Hướng dẫn thân nhân về cách theo dõi và xử lý, kể cả thủ tục gọi xe cấp cứu cũng như phản ứng phụ của thuốc, nếu bệnh diễn tiến bất lợi.
Trông người mà ngẫm đến ta, chưa biết bao giờ xứ mình mới có tiếng nói đủ sức nặng của y sĩ đoàn, có quy định cụ thể của ngành y tế để theo dõi công việc của thầy thuốc, thay vì chỉ thanh tra phòng khám theo kiểu có báo trước để phạt hành chính nếu thầy thuốc quên mặc áo choàng, dù là “chiếc áo không làm nên thầy tu”.
Cá thể nhạy cảm Người bệnh ở lứa tuổi nào cũng là cá thể nhạy cảm. Trẻ con lại càng mong manh hơn nữa. Chính vì thế mà gánh nặng trên vai của thầy thuốc chuyên khoa nhi lúc nào cũng nặng trĩu vì chữa bệnh cho trẻ con khó hơn nhiều nếu so với người lớn. Mặt khác, cũng có một điểm rất thuận tiện cho thầy thuốc khi chữa bệnh cho trẻ con, đó là bệnh nhi bao giờ cũng thành thật hơn người lớn. |
Bình luận (0)