Hơn 50 tuổi nhưng khi thấy có những biểu hiện lúc nhớ lúc quên, bà L.Th.Th., ở quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) đến bệnh viện khám xem bản thân có bị các hội chứng sa sút trí tuệ hay không.
Trung niên đã nhớ nhớ, quên quên
Chia sẻ với bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bà Th. cho biết bà làm nghề may trên 20 năm. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay bỗng nhiên trí nhớ giảm hẳn.
"Nhiều lần đang lái xe đi trên đường tôi không biết mình sẽ đi đâu hoặc đang ở đâu. Lúc đó, tôi phải dừng lại, ngẫm nghĩ một hồi mới nhớ ra mình định đi đâu, làm gì. Thậm chí, có những ngày tỉnh giấc tôi thấy đầu óc choáng váng, không biết thời gian là sáng, trưa hay chiều" - bà Th. kể.
Để hạn chế ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và công việc, bà Th. phải luôn mang theo cuốn sổ nhỏ và ghi tất cả những công việc dự định sẽ làm trong ngày hoặc nói với người thân để mọi người nhắc thêm.
Trong khi đó, bà N.T.M.H., 65 tuổi, được con trai đưa đến Bệnh viện Lão khoa Trung ương khám vì suy giảm trí nhớ nghiêm trọng. Khi bác sĩ thăm khám, hỏi bệnh, bà H. cũng không nhớ được ngày tháng năm những sự việc đã xảy ra trước đó và thời điểm hiện tại; không làm được những phép tính đơn giản hay đọc tên đồ vật và cách diễn đạt của bà cũng rất khó khăn.
Nữ bệnh nhân ngoài 50 tuổi đến bệnh viện khám vì suy giảm trí nhớ
Theo con trai bệnh nhân H., mẹ anh vốn là nhân viên ngân hàng, tính toán cực nhanh và trí nhớ rất tốt nhưng 2 năm nay, bà gần như quên hết những gì đang diễn ra như ăn rồi lại bảo chưa ăn, nói đi nói lại một việc, để các đồ vật và mất khả năng tìm lại, quên cả đường về nhà và đã 2 lần đi lạc… "Vì nghĩ là bệnh tuổi già nên tôi cũng không đưa mẹ đi khám mà chỉ mua thuốc bổ não cho bà uống. Gần đây thấy tình trạng ngày càng nghiêm trọng tôi mới đưa bà đến bệnh viện" - con trai bà H. cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Khoa Thần kinh và Bệnh Alzeimer - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết trước đây, những người đến khám bệnh lý này chủ yếu trên 70 tuổi thì nay có một tỉ lệ lớn người bệnh từ 50- 60 tuổi. Khoảng 30%-40% những người ở độ tuổi này đã phát hiện có tình trạng sa sút trí tuệ.
"Với hai bệnh nhân nói trên đều gặp tình trạng suy giảm trí nhớ. Riêng bệnh nhân H. có dấu hiệu rõ ràng của bệnh Alzeimer với các dấu hiệu như suy giảm trí nhớ tăng dần, giảm khả năng phán đoán, khó khăn trong nhận biết không gian, hình ảnh…" - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình nhận định.
Nhận biết sớm sa sút trí tuệ
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tại Việt Nam có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ và xu hướng đang ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 5% dân số. Bệnh Alzheimer là nguyên nhân chính chiếm 60% - 80% dẫn đến sa sút trí tuệ nhưng phần lớn người bệnh không được chẩn đoán và điều trị.
PGS Bình cho biết hầu hết các trường hợp người cao tuổi đến khám sa sút trí tuệ ở giai đoạn rất muộn, tức là thường sau 1-2 năm có triệu chứng. Khi đó, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn nhận thức nặng. Điều này bắt nguồn từ thực tế cộng đồng thiếu kiến thức không biết các biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ, hiểu sai và cho rằng đây là điều bình thường của tuổi già, hoặc sợ bị chẩn đoán là bệnh tâm thần...
Suy giảm trí nhớ như "vừa nói đã quên" là một trong những dấu hiệu của sa sút trí tuệ. Nhưng không phải cứ hay quên là mắc sa sút trí tuệ, bởi vì "quên" là hiện tượng mà hầu như người nào cũng gặp phải trong cuộc sống. Nên khám và điều trị khi tình trạng quên đó dẫn đến suy giảm nhận thức, ảnh hưởng sức khỏe, xáo trộn cuộc sống.
Các triệu chứng đầu tiên, sớm nhất là giảm trí nhớ như: hay quên đồ vật, quên lối về và hay lặp đi lặp lại câu hỏi nào đó. Bên cạnh đó, khả năng ngôn ngữ có xu hướng nghèo nàn, có sự thay đổi trong tính cách và biểu hiện "nhớ nhớ, quên quên" trong cuộc sống hằng ngày.
Khám sớm, bớt gánh nặng cho gia đình
Bác sĩ Trần Thị Hà An, Trưởng Phòng Điều trị tâm thần người già - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết số bệnh nhân đến viện khám và điều trị bệnh do sa sút trí tuệ có xu hướng tăng, đặc biệt là bệnh nhân nữ. Độ tuổi mắc sa sút trí tuệ cũng đang trẻ hóa.
Bác sĩ An lưu ý việc nhận ra những triệu chứng ban đầu của sa sút trí tuệ để có sự can thiệp, kiểm soát, điều trị kịp thời rất quan trọng. Nếu phát hiện và can thiệp sớm, người bệnh sẽ có kết quả rất tích cực. Ngược lại, bệnh tiến triển đến giai đoạn Alzheimer với các biểu hiện như: không thể nhận diện người quen, mất toàn bộ khả năng sinh hoạt thường ngày, không tự ăn uống, vệ sinh cá nhân… thì hiệu quả can thiệp rất hạn chế.
PGS Nguyễn Thanh Bình cho biết để điều trị bệnh Alzheimer cần có sự kết hợp nhiều biện pháp gồm điều trị triệu chứng và điều trị không dùng thuốc như phục hồi chức năng về trí nhớ và nhận thức.
Với người lớn tuổi, ngoài khám sức khỏe định kỳ, khi có biểu hiện không bình thường như quên kéo dài, quên có xu hướng tăng lên, quên liên tục từ 6 tháng trở lên, có rối loạn cảm xúc, hành vi… nên đưa đi khám để nhận biết và điều trị sớm.
"Một gia đình có người mắc Alzheimer, cả nhà gần như đảo lộn vì phải thay nhau chăm sóc, giám sát người bệnh, nếu không bệnh nhân có thể bỏng, ngã, gặp các chấn thương nguy hiểm" - PGS Bình cảnh báo.
Thực phẩm chức năng không trị được bệnh "hay quên"
PGS Nguyễn Thanh Bình cho biết Alzheimer là bệnh thoái hóa não không hồi phục gây nên chứng sa sút trí tuệ nên điều trị chỉ làm giảm triệu chứng và giảm quá trình tiến triển của bệnh.
"Bệnh Alzheimer chưa có thuốc dự phòng hay chữa khỏi. Các thực phẩm chức năng hay các thuốc bổ não không thể điều trị khỏi sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh" - PGS Bình khẳng định.
Bình luận (0)