Ca mới nhất vừa được Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình TP HCM tiếp nhận cứu chữa là Đ.N.Đ (13 tuổi, ngụ Phú Yên) bị hoại tử chân do đắp lá chữa huyết vận. Sau gần 2 tuần điều trị, các bác sĩ cũng chưa thể ghép da để bịt vết thương lại được cho Đ. do phần hoại tử đã “ăn” vào tận xương.
Chết oan vì thầy lang
Theo mẹ em Đ., mấy hôm đi học về em cứ than đau chân đoạn gần mắt cá nên người nhà nhờ một người trong làng phun lá chữa trị vì cho rằng bị huyết vận. Sau 10 ngày, bệnh tình chẳng những không giảm mà chỗ đau càng sưng to, nhiễm trùng và xì rất nhiều mủ. Được chuyển đến cơ sở y tế địa phương chữa trị thêm một tuần nữa, vết thương càng lở loét, ăn sâu tận xương. Không thể giải quyết được, các bác sĩ tại đây lập tức chuyển bệnh nhân vào TP HCM. “Nhiều người trong làng được phun lá chữa bớt huyết vận tưởng đâu con mình cũng vậy. Ai ngờ bây giờ bé phải bỏ học vì bệnh kéo dài” - chị H., mẹ bé Đ., rầu rĩ.
Bệnh nhân Đ.N.Đ bị hoại tử chân do đắp lá chữa huyết vận đang được điều trị tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM
Bác sĩ Võ Hòa Khánh, Khoa Vi phẫu BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết khi tiếp nhận thăm khám, ông đã giật mình không hiểu vì sao người nhà lại để con mình bị tổn thương nghiêm trọng như vậy. Bệnh nhân sau khi được hút mủ thì chỗ nhiễm trùng đã lộ cả xương ra ngoài. “Chúng tôi phải cắt lọc vết thương, người bệnh còn phải mất cả tháng nữa mới mong chữa khỏi sau khi được ghép da thành công” - bác sĩ Khánh cho biết.
Trường hợp em Đ. là điển hình cho kiểu chữa bệnh dân gian “phước chủ may thầy”. Gần đây, nhiều nơi trên cả nước đã dồn dập xảy ra tình trạng người bệnh nhập viện do trước đó được điều trị theo cách thức dân gian, phản khoa học. Như tại Hà Nội, một trẻ sơ sinh hiện đang chống chọi với cái chết do bị nhiễm trùng sau khi tắm lá trị bệnh thủy đậu. Còn ở Nghệ An, Thanh Hóa liên tiếp xảy ra các vụ chết oan vì thầy lang. Những nạn nhân này bị chó cắn nhưng phần đông không đến BV mà tìm đến các thầy lang để được cắt thuốc nam và ít nhất đã có 3 người tử vong do phát bệnh dại. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, nơi đây cũng đang điều trị cho một nữ bệnh nhân 30 tuổi bị liệt tứ chi, thương tổn thần kinh nặng và teo cơ sau 2 tháng uống thuốc nam bán rong để chữa khớp. Bệnh nhân này bị ngộ độc chì nặng với hàm lượng trên 188 mg/100 ml máu. Khi vào máu, chì có thể đến các cơ quan như não, cơ, tủy xương và gây liệt, thiếu máu, suy nhược cơ bắp...
Chớ nên mê muội nghe theo
Theo các chuyên gia, hiện nay y học đã phát triển nhưng còn một số người nhận thức chưa cao nên rước họa vào thân do tin vào những cách điều trị dân gian thiếu cơ sở khoa học. Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, không ít bệnh nhân thay vì tìm đến BV để điều trị, lại tự ý dùng thuốc nam theo lời truyền miệng khiến bệnh thêm trầm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Chỉ riêng BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, số bệnh nhân bị hoại tử tay chân do cách điều trị phun lá, bó thuốc ngày càng nhiều. Mỗi tháng nơi đây tiếp nhận cứu chữa cho khoảng 30-50 trường hợp từ khắp nơi chuyển về. Bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng, Khoa Vi phẫu BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cảnh báo mối đe dọa trong cộng đồng hiện nay là các loại lá cây, thảo dược được dùng làm thuốc trước đó cho những bệnh nhân này bị nhiễm nhiều độc tố. Đây là tác nhân nguy hiểm khiến cho vết thương nhiễm trùng bị hoại tử nặng, vết thương khó lành, các bác sĩ khi can thiệp cũng gặp không ít khó khăn. Trước đây, những kiểu hoại tử tay chân do nhiễm trùng phun lá thường ít gặp. “Có thể điều kiện môi trường nơi nạn nhân sinh sống bị ảnh hưởng, lá cây dùng làm thuốc bị nhiễm chất độc nào đó cũng như không được vệ sinh sạch sẽ khi dùng nên người bệnh mang họa” - bác sĩ Thắng nhận định.
Theo giới chuyên môn, người dân khi bị bệnh tật nên nhận thức rõ đâu là địa chỉ cần thiết để chữa trị, đâu là loại thuốc mình cần chứ không nên áp dụng một cách mê muội, cứng nhắc những thứ được cho là “bài thuốc”. Khi có dấu hiệu bệnh, người dân cần đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Tuyệt đối không tự chữa trị, không uống hay đắp thuốc nam theo lời đồn thổi khiến bệnh thêm phức tạp, chi phí tốn kém. Chưa kể nhiều bệnh nan y, nếu bỏ điều trị đi chữa thuốc nam theo thông tin truyền miệng, bệnh nhân còn mất đi cơ hội vàng để điều trị. Ngày nay, y học chứng cứ phát triển vượt bậc, các xét nghiệm cận lâm sàng là bằng chứng chuẩn xác trong chỉ định điều trị. Nếu chỉ tin vào những cách điều trị kỳ quái được truyền miệng, lệ thuộc vào bài thuốc nào đó thì rất dễ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.
Tại một số vùng cao vẫn còn nhiều kiểu chữa bệnh, đỡ đẻ tùy tiện của các “bà mụ” khiến nhiều trẻ sơ sinh thành nạn nhân oan uổng. BV Bệnh nhiệt đới TP HCM không ít lần cứu chữa trẻ sơ sinh bị uốn ván do dùng tre, dao lam để cắt rốn cho bé khi chào đời.
Bình luận (0)