Sáng 24-11, gia đình đưa cháu Ngọc đến Trạm Y tế xã Hưng Phú để tiêm ngừa vắc-xin Quinvaxem. Sau khi tiêm xong về nhà, khoảng 11 giờ, cháu Ngọc bỗng co giật, toàn thân tím tái, mắt đứng tròng... Cháu được cấp tốc chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phước Long cấp cứu nhưng đến hơn 14 giờ thì tử vong. Bệnh viện đa khoa huyện kết luận sơ bộ nguyên nhân tử vong do “sốc phản vệ sau khi tiêm”.
Thời gian gần đây, theo sau những ca tử vong ở bà mẹ, trẻ em, người ta thường nghe cụm từ sốc phản vệ như là nguyên nhân dẫn đến tai biến. Nó quen thuộc đến mức trở thành nỗi ám ảnh đối với các bậc cha mẹ. Vậy sốc phản vệ thực chất là gì?
Theo các bác sĩ, phản vệ là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước các mối nguy hại từ bên ngoài. Phản ứng đó nhìn chung có lợi nhưng thỉnh thoảng, phản ứng mạnh lại gây ra sốc phản vệ. Có người bị muỗi hay ong đốt cũng sưng lên, có người bị ngứa và đỏ da do dùng loại mỹ phẩm nào đó... Dị ứng bộc lộ ở da, niêm mạc; có người lại biểu hiện ở đường tiêu hóa như nôn, đau bụng sau khi ăn hải sản. Đây là những phản ứng dị ứng nhẹ và nó chiếm phần lớn trường hợp.
Sốc phản vệ có thể xảy ra với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Độ nặng của sốc phụ thuộc tính nhạy cảm của từng bệnh nhân, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể. Ngoài ra, có một số phản ứng vắc-xin nặng và hiếm gặp như động kinh, giảm tiểu cầu, hội chứng giảm trương lực, giảm phản xạ, khóc thét kéo dài nhưng không thành bệnh mạn tính. Sốc phản vệ, trong khi có khả năng gây tử vong, phần lớn lại được điều trị mà không để lại bất kỳ hậu quả nào.
Với trường hợp sốc phản vệ nặng sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu cục bộ, ngừng tuần hoàn hoặc bị hẹp đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp, ngừng thở. Cả 2 trường hợp này đều gây ra tai biến chết người nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cách. Các chuyên gia cho rằng không thể tiên lượng trường hợp nào sẽ bị sốc phản vệ. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra tức thì, trong một vài giây, chậm hơn có thể là nhiều giờ sau đó (bé Mỹ Ngọc rơi vào trường hợp sau).
Trả lời Báo Người Lao Động trong cuộc phỏng vấn mới đây, GS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, một lần nữa khẳng định “chất lượng vắc-xin đã được thẩm định về tính an toàn nhiều lần” không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới. Ông khuyến cáo cần tăng cường chất lượng khám sàng lọc trước tiêm nhằm đưa ra các chống chỉ định hay hoãn tiêm phù hợp đối với trẻ tiêm vắc-xin Quinvaxem.
Hiện nay, tình trạng sốc phản vệ ở nước ta diễn ra không ít. Điều đó khó tránh, vấn đề là cấp cứu như thế nào, bởi nó xảy ra rất nhanh, chỉ trong tích tắc. Vì vậy, nhân viên y tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở, buộc phải có chuyên môn và kinh nghiệm xử trí sốc phản vệ, kèm theo phương tiện, dụng cụ cấp cứu tại chỗ. Mặt khác, lãnh đạo ngành y tế cần rà soát toàn diện và triệt để hoạt động tiêm chủng hiện nay.
Bình luận (0)