Theo The Brighter Side, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Harry Perkins tại Western Australia đã thử nghiệm nọc của 300 con ong mật và ong ruồi trên 2 loại ung thư vú: ung thư vú bộ ba âm tính và ung thư vú thụ thể với yếu tố tăng trưởng biểu bì (HER2). Kết quả, hợp chất melittin từ nọc ong mật có khả năng phá hủy tế bào ung thư trong vòng 1 giờ đồng hồ mà không làm tổn hại đến các tế bào khỏe khác.
Melittin là peptide 26 a-xít amin lưỡng tính tích điện dương và là thành phần tích cực trong nọc ong. Các nhà nghiên cứu phát hiện các tế bào ung thư có thể được hạn chế bằng cách triệt tiêu hoạt động của các phân tử xấu có biểu hiện quá mức. Ngoài ra, khi kết hợp với hóa trị, melittin giúp hóa chất dễ dàng thâm nhập qua màng tế bào ung thư.
TS Marilena Tauro, chuyên gia nghiên cứu ung thư vú làm việc tại Trung tâm Điều trị Ung thư Moffitt (Mỹ), cho biết: "Nghiên cứu cho thấy melittin có thể phá hủy các tế bào gây nên nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, chúng tôi còn phải tiến hành rất nhiều thử nghiệm khác trong phòng thí nghiệm và động vật trong rất nhiều năm tới để đi đến kết luận cuối cùng".
Hợp chất melittin từ nọc ong mật có thể phá hủy tế bào ung thư vú trong vòng 1 giờ đồng hồ - Ảnh: Creative Commons
Trên thế giới hiện có khoảng 20.000 loại ong. Một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên về tác dụng của nọc ong được công bố vào năm 1950; theo đó, nọc ong hạn chế sự phát triển của các khối u của thực vật. Trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây, dầu nọc ong cũng được nhiều người sử dụng. Mặc dù vậy, thành phần này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong giới nghiên cứu.
Các nhà khoa học khẳng định việc tìm hiểu cơ chế phân tử và tính đặc hiệu chống lại tế bào ung thư của nọc ong là chìa khóa để phát triển và tối ưu hóa phương pháp điều trị mới. Nếu thành công, dược liệu này sẽ được sản xuất và phổ biến rộng rãi trên thế giới.
Bình luận (0)