Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, cho biết trong 10 mẫu hạt hướng dương chín được kiểm nghiệm, có 2 mẫu trắng, 8 mẫu đen lấy lại chợ Hôm và chợ Lương Yên - Hà Nội. Dù kết quả xét nghiệm chưa phát hiện phèn nhôm và bột talc (chất gây ung thư, teo não) nhưng cả 10/10 mẫu đều có nhôm toàn phần và magie với hàm lượng thấp. Ngoài ra, không phát hiện có sự bất thường trong 14 chỉ tiêu kiểm nghiệm.
“Chúng tôi chưa yên tâm với kết quả này. Các mẫu kiểm nghiệm chưa đại diện cho thị trường rộng lớn cũng như các vùng miền nên Cục ATTP đã chỉ đạo các địa phương mở rộng địa bàn lấy mẫu sản phẩm hạt hướng dương tại TPHCM, đặc biệt chú ý cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai để đánh giá tồn dư hóa chất độc hại và cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, ngoài 2 mẫu hạt hướng dương đen và trắng, cục sẽ kiểm nghiệm các mẫu tẩm ướp ngũ vị hương và các hương vị dừa, cà phê, bạc hà, trà xanh… Hạt hướng dương sấy khô có lượng tiêu thụ khá lớn nên việc lấy mẫu và kết quả kiểm nghiệm sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất. “Những thành phần độc hại mà người tiêu dùng đang lo ngại hoàn toàn nằm trong khả năng và năng lực xét nghiệm của Việt Nam. Việc chỉ lấy 2 mẫu đen và trắng để kiểm nghiệm vì đây là loại được dùng rộng rãi nhất” - ông Hùng giải thích.
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP, khuyến cáo: Để tránh sử dụng phải hạt hướng dương tẩm độc, người tiêu dùng nên chọn mua các loại có bao gói bảo đảm vệ sinh, có màu sắc và mùi thơm tự nhiên, không bị ẩm mốc hay vị khác lạ… Không nên ăn hạt hướng dương mốc, mọt, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và tẩm ướp các loại hóa chất không có trong danh mục cho phép.
Trong tháng 3-2013, Cục Bảo vệ thực vật phải kiểm tra chất lượng hạt hướng dương trên diện rộng để công bố cho dư luận.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát |
Bình luận (0)