Có những sự lo âu sợ hãi có thể hiểu được, chẳng hạn như sợ bệnh tật (pathophobia), sợ đau (algophobia)… Tuy nhiên, cũng có những ám ảnh sợ hãi kỳ dị, chẳng hạn như sợ… đồng hồ (chronomentrophobia) hoặc sợ… bơ đậu phộng dính vào vòm miệng trên (arachibutyrophobia)… Có những chứng sợ hãi ám ảnh đã tồn tại hàng thế kỷ, chẳng hạn như sợ bị nóng sốt (febriphobia), sợ sấm chớp (brontophobia)… Cũng có những chứng ám ảnh sợ hãi xuất hiện gần đây, chẳng hạn như chứng sợ máy vi tính (cyberphobia), chứng sợ ngồi máy bay (aviophobia)…
Nguyên nhân
Khi vừa mới chào đời, cơ thể chúng ta đã tồn tại tự nhiên với sự sợ hãi, chẳng hạn như sợ tiếng động, sợ độ cao, sợ nằm trong nôi một mình trong một căn phòng… Phản ứng của chúng ta là khóc cho đến khi được vỗ về. Khi lớn lên, chúng ta được chỉ bảo là cần phải tránh xa những thứ nguy hiểm như xe cộ, điện, dao nhọn…, những sự sợ hãi này giúp chúng ta cảnh giác và chuẩn bị hành động khi gặp nguy hiểm. Thế nhưng khi sợ hãi những việc không nguy hiểm, như vậy bạn đã mắc phải chứng bệnh ám ảnh sợ hãi. Theo định nghĩa của BS Nicholas Kers (GS tâm lý thuộc ĐH Monash - Úc) thì bệnh ám ảnh sợ hãi là một hiện tượng theo đó có một sự sợ hãi nghiêm trọng không hợp lý về một vật hay một tình huống cụ thể. Căn nguyên gây ra chứng ám ảnh sợ hãi thường không được rõ lắm. Đôi khi bệnh ám ảnh sợ hãi bắt nguồn từ một ám ảnh nào đó trong thời thơ ấu, ví dụ như một người bị chó cắn khi anh ta còn là một đứa bé có thể sẽ phát triển thành chứng bệnh sợ chó suốt cả cuộc đời. Một người vượt đèn vàng và bị tai nạn giao thông có thể sẽ bị chứng ám ảnh sợ đèn vàng giao thông mỗi khi anh ta gặp phải.
Cũng có khi bệnh ám ảnh sợ hãi xuất phát từ những nguyên nhân sinh học, cũng có thể do hậu quả của một sự mê tín, chẳng hạn như sợ… ma. Ám ảnh sợ hãi là một dạng của chứng lo âu. Nó được phân làm 2 nhóm: Chứng ám ảnh chuyên biệt (specific phobias) và chứng ám ảnh xã hội (social phobia). Chứng ám ảnh chuyên biệt là chứng ám ảnh sợ hãi về một vài vật thể hoặc một vài hành động cụ thể; còn chứng ám ảnh xã hội là những ám ảnh, lo âu có liên quan đến những nơi công cộng. Sự khởi đầu của chứng ám ảnh xã hội xuất hiện vào khoảng giữa của lứa tuổi 15 và 20, thường là do di truyền; trong khi chứng ám ảnh chuyên biệt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường là hậu quả của một sự kiện nào đó. Người mắc chứng bệnh ám ảnh xã hội sẽ luôn lo lắng rằng họ đang làm một chuyện gì đó chưa hoàn hảo, chưa đúng với điều chính họ mong muốn.
Do những nguyên nhân chưa được biết rõ, phụ nữ thường mắc phải chứng ám ảnh sợ hãi hơn đàn ông, chẳng hạn như phụ nữ mắc chứng sợ khoảng rộng không gian (agoraphobia) nhiều gấp 3 lần so với nam giới. Phụ nữ cũng chiếm 95% số người mắc bệnh sợ thú vật (zoophobia). Có những chứng ám ảnh sợ hãi tác động rất ít vào đời sống thường nhật, đặc biệt nếu vật thể gây ra sự ám ảnh có thể dễ dàng tránh được, chẳng hạn như người sợ ngồi máy bay có thể tránh khỏi chứng bệnh này bằng cách… không đi máy bay. Tuy nhiên, một vài chứng ám ảnh sợ hãi có thể làm cho người bệnh ngày càng suy sụp trầm trọng hơn, chẳng hạn như người mắc chứng ám ảnh sợ đi ra ngoài, người bị ám ảnh về thi cử… Người bị chứng ám ảnh sợ hãi thường bị táo bón, nhức đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi, đau dạ dày, đau cơ…
Trị liệu
Cần cộng đồng hỗ trợ Bệnh nhân mắc chứng ám ảnh cũng cần được sự hỗ trợ của cộng đồng, một người bạn, một người tư vấn có thể mang đến cho bệnh nhân những sự động viên. Nhóm hỗ trợ cũng có thể giúp bệnh nhân có cơ hội nói chuyện, thảo luận với những bệnh nhân có chung tình huống. |
Bình luận (0)