xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mắc bệnh vì… sợ bệnh!

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Có những người hoàn toàn không có bệnh gì nhưng vẫn nằng nặc đề nghị bác sĩ kê đơn thuốc, xét nghiệm nhiều lần vì… “cảm giác trong người có bệnh”…

Trong số những bệnh nhân tới khám do những vấn đề sức khỏe tâm thần, có không ít bệnh nhân phát bệnh vì ám ảnh với một căn bệnh truyền nhiễm nào đó mà họ mắc phải.

Ám ảnh bệnh tật

Sau khi phát hiện một bệnh nhân được chính mình tiêm truyền, tiếp xúc với máu mà không đeo găng tay, chị M.D.H, 26 tuổi, ở một bệnh viện (BV) tại TP Hà Nội, vô cùng hoang mang. Mặc dù vùng trên da chị không có bất kỳ tổn thương nào nhưng chị H. vẫn nằng nặc xin được dùng thuốc kháng virus. Thậm chí, những tháng sau đó, chị H. liên tục đi xét nghiệm, kể cả kết quả đó âm tính với HIV nhưng chị H. vẫn lo lắng và cho rằng mình đã bị nhiễm HIV.
img
Ngày càng có nhiều thanh niên bị hội chứng rối loạn ám ảnh tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị Ảnh: Ngọc Dung

Trong khi đó, chị L.B.V, 35 tuổi, ở Hà Nội, cũng nằng nặc đòi đi xét nghiệm, uống thuốc điều trị vì lo sợ mình bị nhiễm viêm gan B từ người thân. Theo chị B., chồng chị bị viêm gan B mạn tính nhưng sức khỏe hoàn toàn bình thường. Tuy vậy, chị B. vẫn cẩn thận phòng bệnh bằng cách chích ngừa viêm gan B cho mình và các con. Thế nhưng, gần đây chị bỗng thấy mình có các biểu hiện như vàng mắt, vàng da nên đến một phòng khám tư nhân xét nghiệm máu. Dù kết quả xét nghiệm chức năng gan hoàn toàn bình thường nhưng chị vẫn tiếp tục đến BV Bạch Mai để xét nghiệm lại. Sau khi bác sĩ hỏi, chị V. mới kể: Thời gian gần đây, chị “nghiện” món đu đủ, mỗi ngày ăn cả quả to. Theo bác sĩ điều trị, đây chính là lý do khiến chị vàng da do ăn quá nhiều thực phẩm có chứa beta - thường có trong các loại quả có màu vàng, đỏ như cà rốt, bí đỏ, đu đủ, dầu gấc, xoài…

Không nguy hiểm nhưng cần điều trị

Bác sĩ Trịnh Bích Huyền, Khoa Khám bệnh BV Bạch Mai, cho biết trong quá trình khám bệnh, chị từng gặp một số bệnh nhân có những biểu hiện ám ảnh về bệnh tật. Có những bệnh nhân khá trẻ tuổi, có kiến thức đủ để biết con đường lây truyền các bệnh truyền nhiễm nhưng luôn bị ám ảnh mình bị nhiễm HIV. “Thậm chí, có những bệnh nhân kể khi đi gội đầu, cắt tóc cũng lo lây nhiễm từ người gội đầu cho mình, còn đi chợ cũng sợ người thái thịt bị đứt tay và biết đâu có thể lây truyền virus. Nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng dù biết ý nghĩ này vô lý nhưng vẫn không thoát ra được ám ảnh” - bác sĩ Huyền kể. Theo bác sĩ Huyền, những bệnh nhân này được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ám ảnh. Khi mắc chứng bệnh này, bệnh nhân có thể nhận thấy những ý nghĩ ám ảnh và những hành vi cưỡng bức ấy là vô lý nhưng không thể chống lại được nó.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và Điều trị nghiện chất Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (thuộc BV Bạch Mai), để đánh giá một bệnh nhân bị chứng rối loạn ám ảnh thì hiện tượng này phải kéo dài trên 6 tháng. Bệnh có các triệu chứng lâm sàng điển hình như ám ảnh bị lây nhiễm. Đó là người bệnh sợ bị lây nhiễm bụi bẩn, vi khuẩn, virus, phân, nước tiểu và sau nỗi sợ là hành vi rửa tay hoặc lảng tránh. Nhiều trường hợp thường tin rằng sự lây nhiễm lan truyền từ vật này sang vật khác hoặc từ người này sang người khác. “Ngoài ra, có những trường hợp bị ám ảnh độ cao đến mức ngay cả trong ngôi nhà của chính mình nhưng họ cũng không dám lên tầng 2, tầng 3 và cứ mỗi khi phải di chuyển bằng cầu thang hoặc đi một mình thì thấy choáng váng, vã mồ hôi, đánh trống ngực” - bác sĩ Dũng kể.

Bác sĩ Dũng cho biết thêm hội chứng rối loạn ám ảnh chỉ tác động đến thần kinh chứ không nguy hiểm đến tính mạng. Với bệnh lý này, người bệnh được sử dụng liệu pháp tâm lý, sau đó mới dùng đến thuốc, khác hoàn toàn với điều trị hội chứng stress. Tuy vậy, đây là triệu chứng song hành với lo âu và trầm cảm, cần được điều trị sớm.

Các bác sĩ chuyên ngành tâm thần khuyến cáo: Xã hội càng phát triển thì những chứng bệnh về rối loạn ám ảnh càng phổ biến. Những người phải làm việc căng thẳng, nhiều sức ép càng dễ mắc phải. Theo bác sĩ Trịnh Bích Huyền, điều trị bệnh này không dễ và mất nhiều thời gian, do đó khi thấy mình lo lắng quá mức, lo đến mức vô lý thì nên đi khám để được tư vấn, điều trị...

15%-20% dân số bị rối loạn tâm thần

Theo thống kê của Viện Tâm thần trung ương, tỉ lệ người có rối loạn tâm thần ở Việt Nam chiếm 15%-20% dân số. Như vậy, cứ 5 người sẽ có 1 người bị rối loạn tâm thần. Ngoài ra, tỉ lệ người trưởng thành bị trầm cảm, căng thẳng với các biểu hiện như lo âu, mất khả năng tập trung, suy giảm lòng tin, không bằng lòng với cuộc sống... cũng chiếm rất cao. Tuy nhiên, rất ít người tìm đến bác sĩ tâm thần để được tư vấn, điều trị. Các thống kê gần đây cũng cho thấy có trên 30% dân số Việt Nam bị rối loạn cảm xúc. Những rối loạn này ảnh hưởng đến chất lượng sống, thậm chí đẩy người bệnh vào suy nghĩ cực đoan, dẫn đến hành động nguy hiểm.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo