Ban soạn thảo dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) là Bộ Y tế muốn định kỳ cấp lại chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần cho cán bộ y tế, trong khi Ủy ban Các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra) nghiêng về phương án chỉ cấp chứng chỉ hành nghề một lần nhưng cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Cứ 5 năm cấp lại chứng chỉ một lần sẽ tốn kém và phiền phức cho cả cơ quan quản lý lẫn người hành nghề. Trong ảnh: Khám chữa bệnh tại BV Chợ Rẫy - TPHCM. Ảnh: T.THẠNH
Tốn kém, phiền phức
Cơ quan soạn thảo lập luận, việc cấp lại chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần có ưu điểm là thông qua việc định kỳ cấp lại chứng chỉ, có thể chuẩn hóa việc người hành nghề y phải bảo đảm các điều kiện về chuyên môn, giữ gìn y đức, cập nhật kiến thức trong thời gian nhất định. Đây cũng là động lực để cán bộ y tế khẳng định khả năng chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng KCB.
“Cứ chuẩn bị đến thời hạn 5 năm là lại bằng cách này, cách khác lo chạy cho được chứng chỉ, thực trạng nước ta là như vậy” – Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng chỉ ra mặt trái của phương án này. Ông phân tích: Trong 5 năm ấy, có biết bao nhiêu kiến thức y học mới, mỗi cán bộ y tế phải cập nhật được lượng kiến thức mới đến đâu? Nếu làm được điều ấy thì mới tính tới việc cấp chứng chỉ định kỳ.
Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích, cứ 5 năm cấp chứng chỉ lại một lần sẽ gây tốn kém và phiền phức cho cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người hành nghề. “Việc cấp chứng chỉ hành nghề là hình thức xét cấp và căn cứ vào văn bản chứng nhận sẵn có chứ không phải qua thi sát hạch. Do đó, cho dù có đủ bộ máy để làm nhiệm vụ cấp lại chứng chỉ hằng năm thì hiệu quả vẫn có thể không cao, bởi vì đó chỉ là thủ tục hành chính. Nếu bổ sung quy định 5 năm sẽ sát hạch một lần để cấp chứng chỉ lại thì điều kiện hiện nay của cơ quan quản lý Nhà nước là chưa thể đáp ứng nổi” – bà Mai nói. Tuy nhiên, việc cấp một lần cũng phải bổ sung một số quy định về thanh tra, kiểm tra cũng như quy định chi tiết các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề, quy định về điểm tích lũy hằng năm qua đào tạo liên tục để cập nhật
kiến thức chuyên môn y tế...
Cán bộ y tế được làm ngoài giờ
Việc công chức, viên chức y tế hành nghề KCB cũng chưa thể kết thúc tranh cãi: Cho phép làm việc ngoài giờ nhưng không được thành lập, tham gia thành lập, tham gia quản lý điều hành đối với tất cả các loại cơ sở KCB tư nhân hay chỉ không được tham gia thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân?
Một số ý kiến cho rằng nếu để cán bộ y tế Nhà nước vừa làm công vừa làm tư như hiện nay sẽ tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa y tế Nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, nếu cấm hết thì trong điều kiện hiện nay là chưa phù hợp, có thể làm cho một số cán bộ y tế bỏ cơ sở y tế Nhà nước để hành nghề cho cơ sở y tế tư nhân. Một số khác cho rằng chỉ cấm tham gia thành lập và quản lý điều hành bệnh viện tư là đủ. Để dung hòa, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bộ Y tế thống nhất, trước mắt cho tiếp thu theo hướng cho cán bộ y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở KCB tư nhân, trừ bệnh viện tư. Tuy nhiên, phải định hướng lộ trình tiến tới việc hành nghề KCB công, tư rõ ràng từ năm 2020.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận dự án Luật Người cao tuổi; đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 5 vừa kết thúc và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 (dự kiến khai mạc vào ngày 21-10 cho đến ngày 21-11). Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 8 luật và cho ý kiến 12 luật khác. |
Bình luận (0)