BS Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, cho biết cơn đau do chấn thương tốt nhất nên được xử lý bằng cách chườm lạnh. Các hình thức va chạm, té ngã thường dẫn đến sưng, chảy máu, có thể là vết thương hở hoặc là một vết thương “ẩn” gây xuất huyết bên trong. Dạng tổn thương này thường gây sưng đỏ ban đầu tại nơi chấn thương. Trong vòng 48 giờ sau chấn thương, quá trình tự ly giải của cơ thể sẽ biến máu đỏ sang màu đỏ sậm và tạo ra vết bầm. Vết thương dạng này nếu được chườm lạnh sẽ mau bớt đau và mau lành do nhiệt độ thấp, giúp mạch máu co lại dễ dàng và ngưng xuất huyết.
Chườm nóng vẫn có thể được áp dụng nhưng chỉ khi vết thương đã lành, ổn định, lúc đó chườm nóng có thể giúp mau tan máu bầm. Tuy nhiên, cũng nên cẩn thận, bởi chườm nóng quá, lâu quá có thể khiến da bị tổn thương thêm. Chườm nóng sớm quá khi vết thương chưa kịp lành sẽ khiến tình trạng xuất huyết nặng thêm. “Đặc biệt, nên lưu ý các vết thương ở vùng cẳng chân, chườm nóng không đúng lúc gây xuất huyết dễ dẫn đến chèn ép khoang, gây sưng tấy, nhiễm trùng, nguy hơn là hoại tử” - BS Thu khuyến cáo. Ông cũng cho biết một số bệnh nhân khác phải vào bệnh viện vì phỏng, do nôn nóng làm tan máu bầm mà chườm quá nóng. Tốt hơn hết nên để máu bầm tự tan đi hoặc uống thuốc tan máu bầm.
Chườm nóng sẽ đặc biệt có hiệu quả trong tình huống cần hạ sốt. Không nên chườm lạnh trong trường hợp này, bởi có thể gây co giật vì hạ sốt đột ngột và cũng không nên để bệnh nhân từ sốt thành… phỏng do chườm quá nóng, nhất là ở những vùng da khá mỏng manh như mặt, cổ...
Tương tự khi chườm lạnh, không nên áp ngay… một viên đá cục vào vùng bị thương mà nên quấn đá trong vài lớp khăn hoặc thấm khăn vào nước lạnh. “Dù là chườm nóng hay chườm lạnh, cần để nhiệt độ ở mức cơ thể có thể chịu được, không gây đau đớn hay khó chịu” - BS Thu lưu ý.
Bình luận (0)