Điều dưỡng Võ Thị Bạch Yến, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, cho biết lau trẻ bị sốt bằng nước ấm pha cồn hay rượu có thể làm trẻ mát rất nhanh, thậm chí mát lạnh do sự bốc hơi. Tuy nhiên, điều đó vô cùng nguy hiểm. Vì rượu hay cồn khi bốc hơi có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Một số người lại áp dụng cách chườm đá. Thật ra, nước đá sẽ làm trẻ ớn lạnh và run nhiều.
Càng run chừng nào, cơ thể càng sinh nhiệt và sốt cao chừng ấy. Ngoài ra, đá lạnh có thể khiến trẻ bị sưng phổi. Còn cách hạ nhiệt bằng việc dùng chanh xoa cho trẻ sẽ làm phỏng hay hư da vì trong chanh có chứa axít loãng. Nếu nặn chanh hay chất gì vào miệng khi trẻ sốt cao và đang làm kinh dễ gây sặc và tử vong.
Do đó, khi trẻ sốt, cần đặt nằm nơi rộng rãi, an toàn, nghiêng một bên nếu có thể, cho trẻ mặc quần áo mỏng, rộng rãi. Để hạ sốt, đắp khăn ướt với nước ấm (36OC-37OC) lên trán, nách, bẹn, lưng, đùi và thay đổi khăn liên tục, lau khoảng 15-20 phút. Cho bé uống nước nhiều.
Dùng thuốc hạ sốt paracetamol uống hay nhét hậu môn khi nhiệt độ trên 38,5OC. Nếu nhiệt độ vẫn còn trên 39OC sau khi đã dùng thuốc, nên hạ sốt cho trẻ bằng cách lau nước ấm với 5 khăn nhỏ: 4 khăn đặt ở hai nách và hai bẹn, thay mỗi 2-3 phút một khăn lau khắp người trẻ. Ngưng lau khi nhiệt độ của trẻ dưới 38,5OC hay sau 30 phút lau mát. Sau đó, lau khô và mặc quần áo mỏng cho trẻ. Lưu ý, chỉ dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao làm cho trẻ khó chịu hay dọa co giật.
Bình luận (0)