Công việc của lái xe cứu thương đặc thù, áp lực khi vận chuyển bệnh nhân phải đặt an toàn lên hàng đầu. Đặc biệt, phải phân biệt được loại bệnh khi vận chuyển và khi chạy phải giữ cho xe thật êm, an toàn, nhất là vào giờ cao điểm đường đông, xe phải luồn lách, thậm chí chạy ngược chiều làm sao để đưa người bệnh đến bệnh viện nhanh nhất có thể.
Ông Nguyễn Xuân Thân kiểm tra các thiết bị trên xe cấp cứu sau ca trực của mình.
Đó là những lời tâm sự của ông Nguyễn Xuân Thân, 54 tuổi, Đội trưởng đội xe cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức TP HCM), người đã có hơn 11 năm gắn bó với công việc lái xe cấp cứu.
Chỉ 2 phút là xuất phát
Ông Thân cho biết khi vào ca trực, ông cũng như các anh em tài xế luôn trong tâm thế sẵn sàng, điện thoại mở 24/24. Dù ngày hay đêm, hễ có chuông điện thoại là chỉ 2 phút sau êkip phải lên đường để tiếp cận, vận chuyển người bệnh nhanh nhất có thể.
Đặc biệt, vào những ngày lễ, Tết công việc nhiều hơn, vì vậy chuyện đón giao thừa, ăn Tết cùng anh em đồng nghiệp, đội ngũ y, bác sĩ và người nhà bệnh nhân trên xe cứu thương là bình thường.
Chỉ sau 2 phút nghe điện thoại cấp cứu là ông Nguyễn Xuân Thân cùng ekip y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhanh chóng lên đường đến hiện trường, kịp thời cứu chữa người bệnh.
"11 năm lái xe cấp cứu nhưng tôi làm nghề được 30 năm. Trước khi gắn bó với công việc lái xe cấp cứu, tôi là tài xế chở khách đường dài. Trên đường tôi gặp nhiều vụ va chạm, tai nạn thương tâm. Thời điểm đó, mình có tham gia hỗ trợ, sau này, khi có cơ duyên tôi vào làm tại Bệnh viện quận 2 nay là Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Nghề lái xe nào cũng có áp lực riêng, áp lực của người lái xe cấp cứu chính là người bệnh đang giành giật từng giây phút với tử thần. Do đó, phải làm sao vừa chạy an toàn mà vừa đưa họ tới bệnh viện nhanh nhất" - ông Thân tâm sự.
Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, sau mỗi ca cấp cứu, ông Nguyễn Xuân Thân phải khử khuẩn, vệ sinh xe ngay để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Nói về nghề, ông Thân cho biết điều quan trọng nhất của tài xế lái xe cấp cứu là phải phân biệt được các loại bệnh. Ví dụ như người bệnh nhồi máu cơ tim phải chạy thật nhanh hay người bệnh bị gãy xương không chỉ nhanh mà còn phải chạy thật êm để không xảy ra các tai biến phụ.
"Những tài xế cấp cứu không chỉ vững tay lái, nhanh nhẹn mà còn phải biết những kỹ năng cần thiết trong sơ cứu, hỗ trợ y, bác sĩ. Không chỉ vậy, còn phải thông thuộc đường để đi đường tắt hoặc chọn đường khác để tránh kẹt xe. Khi điều khiển xe, phải tập trung cao độ quan sát phía trước để đoán tình huống mà có sự phòng tránh kịp thời. Ngoài ra, tài xế xe cấp cứu cũng phải thuộc địa chỉ các bệnh viện, cơ sở y tế trong suốt hành trình để khi xảy ra tình huống nguy cấp có thể đưa bệnh nhân đến nơi gần nhất để cấp cứu" - ông Thân kể.
Trong 11 năm đồng hành với người bệnh trên xe cấp cứu ông Thân cũng không nhớ hết đã cấp cứu bao nhiêu trường hợp. Tuy nhiên, một trong những lần cấp cứu khó quên là thời điểm cận Tết năm 2013, ông nhận được điện thoại cấp cứu ở cầu Phú Mỹ (quận 9 khi đó, TP Thủ Đức hiện nay): "Người bị nạn là một phụ nữ bị chặt tay cướp vàng. Ngay sau khi nhận được điện thoại, chỉ trong vòng 2 phút êkip lên đường. Người bệnh được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Gia Định, sau khi sơ cấp cứu ban đầu, êkip tiếp tục chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Được sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và cánh tay được nối lại".
Áp lực công việc là vậy nhưng cảm giác được là một nhân tố nhỏ bé mang lại sự sống cho người khác là điều giúp ông Thân thêm yêu công việc của mình.
Đón giao thừa ở bệnh viện
Cũng là một trong những tài xế gắn bó với xe cấp cứu 7 năm qua, anh Nguyễn Văn Ngọc, 46 tuổi, thành viên đội xe cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) đã có 5 cái Tết đón giao thừa ở bệnh viện, hay trên đường chạy xe cấp cứu.
Cũng như ông Nguyễn Xuân Thân, xe cấp cứu đối với anh Nguyễn Văn Ngọc như người bạn đồng hành của mình.
Nói về nghề, anh Ngọc bộc bạch khi vận chuyển bệnh nhân trên xe, sự sống của họ nằm trong tay mình. Thời điểm dịch Covid -19 vừa qua anh ở lại luôn trong bệnh viện để có thể sẵn sàng vận chuyển bệnh bất cứ lúc nào và nhất là hạn chế về nhà vì sợ lây cho gia đình. Thời gian dịch bệnh, anh không chỉ vận chuyển bệnh nhân cấp cứu mà còn vận chuyển các trường hợp khác như đi cách ly, lấy mẫu không kể ngày đêm.
Lúc ở bệnh viện, sinh mạng của bệnh nhân phụ thuộc vào đội ngũ y, bác sĩ. Còn khi vận chuyển bệnh nhân trên xe, sự sống của họ nằm trong tay tài xế.
Anh Ngọc cho biết năm nay anh vẫn trực Tết, tuy nhiên, đợt dịch vừa rồi hơn 5 tháng không về nhà, anh được lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện để đón giao thừa cùng vợ con.
"Mọi năm giao thừa gia đình chỉ biết chúc nhau qua điện thoại. Năm nay, được đón Tết bên vợ con, cảm giác hạnh phúc hơn, ấm áp hơn" - anh Ngọc xúc động.
Với anh Ngọc, niềm vui của người lái xe cứu thương là giúp được người bệnh được cấp cứu kịp thời và an toàn. Đó cũng là động lực để anh và đồng nghiệp vượt qua những áp lực, vất vả của nghề.
Bình luận (0)