Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều địa phương trên cả nước, người dân đã và đang trở về quê để đón Tết. Tuy nhiên, những ngày qua, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, mỗi ngày cả nước có trên dưới 15.000 ca mắc mới. Vì vậy, để đón Tết an toàn, hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch đã được đẩy mạnh.
Đáng chú ý, một số địa phương đã đưa ra những quy định "cứng nhắc" ít nhiều gây khó cho người dân khi có dự định về quê ăn Tết. Đó là cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà người về từ vùng có dịch 7 ngày, yêu cầu phải có xét nghiệm trước khi vào địa phương.
Thậm chí, có nơi còn phổ biến tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình đang học tập, làm việc, sinh sống ngoài tỉnh hạn chế đến hoặc trở về trong thời gian nghỉ Tết… Điều này đã khiến nhiều gia đình bối rối khi có ý định về quê đón tết, sum họp gia đình.
Nhiều người dân mong muốn trở về quê sum hop gia đình dịp Tết Nguyên đán - Ảnh minh hoạ
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không "ngăn sông cấm chợ", đồng thời, thực hiện thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 để phòng chống dịch bệnh.
Bộ Y tế cho biết hiện nay, tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỉ lệ cao: Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 3 đạt 18,6%; trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi 1 đạt 94,1%, tiêm đủ 2 mũi đạt 82,2%. Vì vậy, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Các địa phương cần hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-COV-2 và xử trí theo quy định.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Giải thích thêm về việc cách ly chống dịch, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết người dân sinh sống tại khu vực thuộc 4 cấp độ dịch không phải cách ly y tế khi về quê đón Tết, ngoại trừ các trường hợp thuộc diện theo dõi sức khỏe hoặc đang ở trong khu phong tỏa mới phải cách ly khi về quê ăn Tết. Những người còn lại không thuộc các diện nêu trên không phải cách ly khi về quê, kể cả ở địa bàn nguy cơ dịch bệnh cấp 4.
"Hiện nay, nếu phát hiện ca nhiễm, các địa phương chỉ phong tỏa một tầng, một căn hộ hoặc vài căn hộ trong khu chung cư, một hoặc một vài nhà trong khu dân cư. Những người khác vẫn đi lại bình thường, nên khi về quê cũng không phải cách ly" - PGS Hương thông tin thêm.
Trước hàng loạt văn bản "nhắc nhở" của Thủ tướng và Bộ Y tế về việc chưa đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly…), nhiều địa phương đã xoá bỏ hoặc nới lỏng các quy định này.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc trở về quê ăn Tết là nhu cầu rất chính đáng của mỗi người con phải rời quê hương đi làm ăn, học tập... ở những nơi xa mỗi khi Tết đến, Xuân về. "Chúng ta đã tiêm vắc-xin đạt tỉ lệ cao, chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả. Thay vì cấm đoán, chúng ta nên cần thống nhất việc thực hiện từ trên xuống dưới, tránh mỗi nơi làm một kiểu, gây ra cát cứ, cảnh "ngăn sông cấm chợ" như trước đây"- ông nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp như hiện này, ông cho rằng người dân về quê cúng giỗ tổ tiên, gặp gỡ cha mẹ, con cái nhưng không tổ chức các hoạt động đông người, không nên tổ chức ăn uống linh đình, nên hạn chế thăm nom, tụ tập, và nhất thiết phải khai báo y tế.. "Tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mỗi ngày. Ý thức người dân lúc này là quan trọng nhất, không nên vì nghĩ đã tiêm vắc-xin Covid-19 mà chủ quan, lơ là khi đón Tết"- PGS Phu khuyến cáo.
Hành khách đến ga Sài Gòn mua vé tàu về quê đón Tết. Ảnh: Thu Hồng
Cũng theo ông Phu, dịp Tết, việc đi lại nhiều không chỉ gây nhiễm bệnh cho những người trong cùng một địa phương mà có thể lây nhiễm cho người ở các địa phương khác. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh thì rất dễ bùng phát dịch trong cộng đồng, đặc biệt là lây lan sang những người chưa tiêm vắc-xin, người già, người mắc bệnh nền.
Người dân khi di chuyển bằng phương tiện di chuyển trong dịp Tết cần ưu tiên theo thứ tự: Xe riêng (ôtô, xe máy), máy bay, tàu hỏa, xe khách. Trong trường hợp di chuyển bằng phương tiện công cộng, cần mở cửa kính xe khách, taxi thoáng khí hoặc có khoang riêng (tàu). Người dân ăn uống dọc đường cần đảm bảo 5K - Khai báo hành trình trên ứng dụng PC-Covid.
Đưa ra lời khuyên cho người dân để đón Xuân mới trong khi dịch Covid-19 vẫn phức tạp, nhất là khi Việt Nam đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron, PGS-TS Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho rằng khi di chuyển, mỗi người cần chuẩn bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay (nên loại nhỏ để trong người). Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn test nhanh kháng nguyên Covid-19. Nếu có điều kiện nên thực hiện test nhanh trước khi về quê. Người dân nên đeo khẩu trang trong suốt hành trình di chuyển, chỉ mở khi không có tiếp xúc người khác, bỏ khẩu trang khi về đến nhà.
Bình luận (0)