Theo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đến tối 30-4, thế giới đã ghi nhận hơn 151,4 triệu ca mắc Covid-19 trong đó có hơn 3,1 triệu trường hợp tử vong.
Hiện Ấn Độ đang là điểm nóng dịch bệnh của thế giới, với số ca mắc mới và tử vong liên tục phá kỷ lục mỗi ngày. Tại Ấn Độ, trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 386.888 ca mắc và 3.501 ca tử vong do Covid-19, cao hơn tất cả những ngày trước đó và là ngày thứ 9 liên tiếp có số ca mắc theo ngày vượt ngưỡng 300.000 ca.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid-19 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia - Ảnh: Reuters
Tại Nhật Bản, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khi tổng số ca mắc mới tại nước này ở mức cao nhất trong 3 tháng, với 5.795 ca. Riêng Thủ đô Tokyo ghi nhận tới 1.027 ca mắc mới, mức cao nhất trong 3 tháng qua. Từ đầu tuần này, Thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía tây của Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ ba để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tại Thái Lan, ghi nhận thêm 1.583 ca mắc và 15 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc là hơn 65 nghìn ca, 203 ca tử vong. Bộ Nội vụ Thái Lan ngày 29-4 xác nhận có 73/77 tỉnh trong cả nước đã yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Người vi phạm lần đầu sẽ bị phạt 6.000 baht (gần 4,5 triệu đồng). Người vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt đến 20.000 baht (gần 18 triệu đồng).
Tại Lào, ghi nhận 68 ca mắc mới tại 8 tỉnh/thành phố trên cả nước. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục có số người mắc mới cao nhất với 34 ca, tiếp đó là tỉnh Champasak ghi nhận 11 ca, Bokeo 10 ca, Luang Prang 8 ca... Mặc dù số ca tại thủ đô Viêng Chăn giảm nhưng việc số ca nhiễm mới ở Champasak, Luang Prabang, Bokeo và một loạt tỉnh khác ở bắc Lào chưa có dấu hiệu giảm cho thấy dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Lào.
Nhiều chốt chặn kiểm tra được lập tại các địa điểm tiếp giáp các phường ở thủ đô Viêng Chăn - Ảnh: TTXVN
Tại Campuchia, ghi nhận thêm 880 ca mắc mới, đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới của nước này ở mức cao nhất từ trước đến nay. Thủ đô Phnom Penh vẫn có số ca mắc mới cao nhất cả nước với 518 ca, tiếp theo là hai tỉnh Preah Sihanouk (187 ca) và Kandal (73 ca). Đáng lo ngại, có tới gần 2.000 công nhân thuộc 206 nhà máy tại nước này đã mắc virus SARS-CoV-2, trong khi hơn 17.000 người khác phải thực hiện cách ly.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đến nay đã ghi nhận 2.928 bệnh nhân Covid-19. Liên quan đến ca bệnh Covid-19 ở Hà Nam (BN2899), đến nay Bộ Y tế đã công bố có thêm 12 bệnh nhân Covid-19 có là F1 và F2 của bệnh nhân này.
Chiều 30-4, tại cuộc họp Ban chỉ đạp Phòng, chống dịch Hà Nội Covid-19 Hà Nội, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, ghi nhận Hà Nội đã vào cuộc rất quyết liệt, rất nhanh, đúng hướng và có kinh nghiệm khi xuất hiện ca F0.
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Hà Nam - Ảnh: Trần Minh
Tuy nhiên, PGS Trần Đắc Phu cũng lưu ý trong công tác phòng, chống dịch là không có đợt dịch nào giống nhau. Đặc biệt, đợt dịch này vào đúng thời điểm nghỉ lễ. "Dịch trên thế giới phức tạp đã rõ nhưng chúng ta cần lưu ý chính ở các nước Đông Nam Á. Đơn cử như Lào, Thái Lan, Malaysia, Philippines đang rất căng thẳng và tôi lo ngại một chu kỳ bùng phát ở Đông Nam Á. Đặc biệt là những nước đang nóng lòng dỡ bỏ các giải pháp tập trung đông người và miễn dịch cộng đồng chưa cao" - ông nhận định.
Theo PGS Trần Đắc Phu, đến nay Việt Nam đã ghi nhận các chủng virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh là chủng ở Anh, chủng ở Nam Phi. Do đó, không loại trừ những ổ dịch xuất hiện tại nước ta phần lớn đều liên quan đến chủng lây lay lan nhanh và Hà Nam cũng có thể liên quan đến chủng này.
Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch tại thôn Hoàng Xá, xã Tiên Tiến, tỉnh Hưng Yên
"Tại Hà Nội nguy cơ rất cao vì liên quan đến dịp nghỉ lễ, nhiều người trở lại Thủ đô. Thực tế, trước đó, sau Tết Nguyên đán, Hà Nội cũng đã đón hàng chục nghìn người từ Hải Dương trở về. Một yếu tố nữa là trong cộng đồng không dù không có biểu hiệu sốt, ho nhưng chúng ta cần chú ý là không lơ là, vì tốc độ lây lan của chủng mới này rất khủng khiếp. Nếu là ổ dịch, chúng ta tự tin kiểm soát được nhưng cũng cần chú ý chính là các ổ dịch song song, mà nguy cơ không phải từ biên giới, chính là con đường nhập cảnh hợp pháp, ở trong khu cách ly" - PGS Phu cảnh báo.
PGS Trần Đắc Phu cũng đề nghị Hà Nội phải phát hiện truy vết hết các F0, F1, F2. Virus SARS-CoV-2 có đặc tính là lây qua đường giọt bắn, qua tiếp xúc gần, qua đường chân, tay… Do đó, nếu khoanh vùng tốt thì sẽ truy vết tốt. Ông khuyến cáo các đơn vị chống dịch phải rà soát lại các khu cách ly. Bởi thực tế thời gian qua tại một số khu cách ly có vấn đề về việc tuân thủ các quy định cách ly. Đơn cử, tại Yên Bái đã phát hiện ca nhiễm từ chuyên gia Ấn Độ sang nhân viên khách sạn.
Theo kết quả giải trình tự gene, 4 mẫu xét nghiệm của chuyên gia Ấn Độ và 1 nhân viên khách sạn ở Yên Bái đều nhiễm virus SARS-CoV-2 thuộc biến thể Ấn Độ.
Bình luận (0)