Chia sẻ với báo giới ngày 8-10, PGS-TS Lê Đình Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) K Trung ương, cho biết cách đây 4 năm, BV K đã tham gia thử nghiệm đa lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch.
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư được ứng dụng tại nhiều cơ sở y tế chuyên khoa - Ảnh: Kim Xuân
Theo đó, từ cuối năm 2017, được sự cho phép của Bộ Y tế, BV K chính thức áp dụng phương pháp điều trị ung thư này điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân ung thư. Đây là một trong những liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư - nghiên cứu của 2 nhà khoa học vừa được Giải Nobel Y học 2018. Thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch điều trị ung thư được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, với các loại ung thư: hắc tố, phổi, dạ dày, u lympho, gan và đường niệu đạo.
Theo bác sĩ Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Phó trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, BV K, hiện chưa có kết quả đánh giá chung, nhưng trên từng bệnh nhân cho thấy, tình trạng được cải thiện, khối u không còn bị di căn.
Đơn cử một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối tiên lượng sống chỉ 4-5 tháng nhưng sau 3 đợt điều trị bằng phương pháp miễn dịch đến thời điểm này là hơn 1 năm, bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục điều trị. Một trường hợp khác là bệnh nhân ung thư u hắc tố đã di căn xương và phần mềm dưới da. Sau khoảng 7 tháng áp dụng liệu pháp miễn dịch, các khối u không tiến triển, u tan nhanh, khối u dưới da biến mất, bệnh nhân đã đi lại được, tuy nhiên sau đó các tổn thương lại xuất hiện ở vị trí khác.
Một bệnh nhân bị ung thư vòm họng đã điều trị thuốc trúng đích nhưng không hiệu quả đã được dùng liệu pháp miễn dịch. Sau 2 chu kỳ dùng thuốc miễn dịch, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, khối u vùng cổ đang giảm.
Chi phí điều trị quá lớn khiến không nhiều bệnh nhân ung thư được tiếp cận với liệu pháp miễn dịch
PGS Quảng cho biết mặc dù liệu pháp này được coi là vũ khí mới trong điều trị ung thư nhưng không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này. Cùng một loại ung thư, không phải bệnh cảnh nào cũng có chỉ định mà tuỳ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u.
"Thông thường, liệu pháp này được dùng cho giai đoạn di căn và mức độ biểu hiện của thể PD-L1 trên khối u càng cao thì khả năng đạt đáp ứng với liệu pháp miễn dịch càng cao. Hơn nữa trong điều trị ung thư, phần lớn các trường hợp để điều trị hiệu quả cần phối hợp đa mô thức và toàn diện, không một phương pháp đơn lẻ nào có thể mang lại thành công"- PGS Quảng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn chi phí điều trị cho một chu kỳ từ 60 - 120 triệu đồng, tuỳ cân nặng, lứa tuổi, tình trạng bệnh... Đây là một chi phí khá đắt đỏ, trong khi đó bệnh nhân sẽ phải truyền 3 tuần/lần và truyền liên tục trong vòng 3-4 năm. Hiện bảo hiểm chưa thanh toán cho những loại thuốc của liệu pháp điều trị miễn dịch nên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận phương pháp này.
Ngoài ra, các chuyên gia điều trị ung thư cũng lưu ý các loại thuốc kiểm soát miễn dịch này chỉ kéo dài cuộc sống, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư và chưa thể điều trị ung thư triệt để và không thể chữa khỏi ung thư.
Trước đó, ngày 1-10, hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã giành Giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018 với "phát hiện phương pháp điều trị ung thư bằng cơ chế ức chế điều hòa miễn dịch âm tính". Tại Việt Nam, từ cuối năm 2017, Bộ Y tế đã chính thức cho lưu hành thuốc điều trị ung thư theo liệu pháp miễn dịch. Hiện đề tài khoa học này đã được Bộ Y tế phê duyệt và đang thử nghiệm lâm sàng tại các BV: Ung bướu TP HCM, K Trung ương, Chợ Rẫy, Bình Dân TP HCM...
Bình luận (0)