Thông tin trên được TS Lại Đức Trường, chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết tại buổi khảo sát việc quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM chiều 13-9. Tham dự buổi khảo sát còn có lãnh đạo Sở Y tế TP HCM và các đơn vị liên quan trên địa bàn quận Bình Thạnh.
TS Lại Đức Trường, chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đang kiểm tra một số loại thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm.
Tại buổi làm việc, bác sĩ Quách Kim Ưng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, cho biết địa bàn có 20 trạm y tế. Trong đó, 3 trạm (phường 13, 22, 27) hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Dự kiến cuối năm 2022, phấn đấu triển khai thêm Trạm Y tế phường 17 là trạm điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Riêng tại Trạm Y tế phường 22, 8 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện 1.212 lượt khám chữa bệnh BHYT và 336 lượt khám cho người cao tuổi.
Tại buổi làm việc, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, khẳng định trạm y tế không phải là bệnh viện thu nhỏ. Thực tế hiện nhiều người mắc bệnh không lây nhiễm phải lên bệnh viện tuyến trên để xếp hàng chờ lấy thuốc vì nguyên nhân chính là do danh mục thuốc BHYT cho tuyến cơ sở còn giới hạn. Ngành y tế TP đang định hướng mô hình chuyển những bệnh nhân mãn tính ổn định từ bệnh viện về trạm để lấy thuốc và tái khám. Tuy nhiên, hiện tại trạm y tế vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, bất cập như thiếu khả năng phát hiện sớm các bệnh lý; kỹ năng chuyên môn điều trị và kinh phí.
Ông Châu cho biết Sở Y tế TP HCM những ngày qua đã làm việc với BHXH TP về mở rộng danh mục thuốc trong gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, đồng thời có kế hoạch trình UBND TP về khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn theo Quyết định 115 của Chính phủ. Đến năm 2025-2030, ngành y tế TP cố gắng tầm soát các bệnh lý không lây nhiễm hay gặp người trên 60 tuổi như đái tháo đường, hen, cao huyết áp… ít nhất 1 năm/ lần.
Trả lời câu hỏi của TS Lại Đức Trường, chuyên gia WHO tại Việt Nam, về danh sách quản lý những người mắc bệnh không lây nhiễm (huyết áp, đái tháo đường) tại phường 22, bác sĩ Lê Hoài Nam, đại diện Trạm Y tế phường 22, cho biết tại đây chưa có. Nếu người bệnh đến thì sẽ được khám và cho thuốc về nhà uống trong 29 ngày.
"Mỗi tháng trạm có tổng cộng 120 bệnh nhân đến khám, riêng bệnh cao huyết áp và đái tháo đường là 60. Tất cả các thuốc cho những bệnh nhân này đều được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả" – bác sĩ Nam nói.
Theo ông Trường, qua báo cáo, 8 tháng đầu năm chia trung bình 1 tháng có 150 lượt khám, 1 ngày chỉ có 7-8 lượt khám thì trạm y tế chưa hoạt động hiệu quả. Trong khi tại trạm có bác sĩ, điều dưỡng, cơ sở hạ tầng đảm bảo, trang thiết bị khá đầy đủ.
"Đây là con số vô cùng ít. Tôi mong muốn đây là nơi khám chữa bệnh tốt, có thể cạnh tranh với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên khác. Trạm y tế còn hoạt động chưa hiệu quả, có bao nhiêu bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường chúng ta cũng không biết, không có danh sách. Việc quản lý sức khỏe người dân như vậy chưa được tốt" – ông Trường nhận định.
Cũng theo đại diện WHO tại Việt Nam, để người bệnh tự tìm đến trạm y tế khi đã có triệu chứng thì đã muộn. Điều này cho thấy còn nhiều lỗ hổng tại trạm y tế cần khắc phục, không chỉ điều trị, chăm sóc người bệnh mà cần phải phòng bệnh ngay từ đầu, nhằm giảm gánh nặng điều trị cho chính bệnh nhân, ngành y tế, BHXH, BHYT nâng tỉ lệ dân số khỏe mạnh tại Việt Nam.
Bình luận (0)