Nói đến bệnh viện, đầu tiên mọi người nghĩ đến là các y bác sĩ, thế nhưng những người làm công tác xã (CTXH) hội thì ít người biết. Đây là một công việc thầm lặng, nhưng hỗ trợ rất hiệu quả cho tiến trình điều trị của bệnh nhân. Nhân ngày Công tác xã hội Việt nam (25-3), xin gởi đến bạn đọc bài viết dưới đây của Thạc sĩ Vũ Hồng Hạnh – Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương.
Tính từ ngày đầu được thành lập theo thông tư số 43/2015/TT-BYT, từ những bước đi chập chững đầu tiên vừa làm vừa học hỏi, đến nay chúng tôi đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào.
Xác định vai trò truyền thông về kiến thức y khoa, thông tin các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang có tại bệnh viện cho người dân cập nhật, tiếp cận, sử dụng là vô cùng cần thiết trong thời đại 4.0. Các trang thông tin điện tử luôn cập nhật những thông tin cần thiết, mới nhất đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó đội ngũ chăm sóc khách hàng phát huy tốt vai trò của mình là hướng dẫn, hỗ trợ người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, tạo được ấn tượng tốt đẹp ban đầu về bệnh viện bằng sự nhiệt tình chu đáo, phần nào đã giúp cho người dân giảm bớt sự căng thẳng, sốt ruột khi tới bệnh viện. Đây cũng là một trong những yếu tố nâng cao chỉ số hài lòng của người bệnh, để bệnh viện Hùng Vương được xếp hạng thứ 4 trong cả nước về mức độ hài lòng người bệnh trong cuộc khảo sát của Bộ Y tế năm 2019(1).
Không chỉ vậy, với mục đích chăm sóc sức khỏe toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, để người bệnh an tâm điều trị. Với phương châm " hỗ trợ khi bạn cần, chia sẻ khi bạn khó", chúng tôi đến với những cảnh đời éo le, bất hạnh. Họ rất cần nhân viên công tác xã hội hỗ trợ không chỉ về vật chất mà còn rất nhiều những vấn đề khó khăn trong cuộc sống liên quan như hỗ trợ pháp lý, tìm thân nhân cũng như hỗ trợ về mặt tâm lý để họ vượt qua những cú sốc mà họ gặp phải trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Đồng hành với họ, mới thấu hiểu những "góc khuất" của mỗi người để có thể cùng họ đưa ra được những giải pháp hỗ trợ tối ưu nhất. Trong quá trình tiếp xúc case, vẫn thường giật mình tưởng như những cảnh đời éo le trong những tác phẩm văn học nổi tiếng đang đứng trước mặt mình.
Phòng CTXH Bệnh viện Hùng Vương miễn viện phí cho bệnh nhân khó khăn
Chúng tôi không thể quên được ánh mắt sợ sệt, hoảng loạn của một thai phụ người dân tộc S'tiêng được đưa vào cấp cứu vì bị tai nạn giao thông. Không giấy tờ tùy thân, không người thân, không tiền bạc và lo lắng khi kẻ xấu dọa dẫm là người dân tộc thì sẽ không được điều trị,…và khuôn mặt rạng rỡ của chị khi được chúng tôi kết nối tìm lại được gia đình. Vòng tròn nghèo i- ít học- đông con- nghèo,-…, là câu chuyện của một gia đình người Khơ-me, khiến chúng tôi động lòng. Hay như ánh mắt cầu cứu của hai mẹ con bệnh nhân N. TH sống bằng việc bán vé số, kiếm tìm sự che chở, an toàn trong thời gian nằm viện, tránh khỏi sự bạo hành của người chồng (người cha). Ánh mắt van xin "hãy cứu lấy mẹ con" của đứa trẻ,… .
Gắn cho mình trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng, chúng tôi tìm đến những nơi khó khăn, vùng sâu vùng xa để cung cấp kiến thức về sức khỏe, khám bệnh, điều trị miễn phí cho người dân. Những phần quà trao đi, nhận về những nụ cười, những ánh mắt mừng vui của người dân là phần thưởng cho chúng tôi sau mỗi chuyến đi.
Là nhân viên y tế, hiểu được tầm quan trọng của máu đối với sự sống còn của người bệnh. Bốn đợt hiến máu tình nguyện và tiếp nhận hơn 413 lượt tham gia với số lượng 512 đơn vị máu là con số chúng tôi đạt được trong năm vừa qua. Điều đáng tự hào hơn cả, ngay tại thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát vẫn tổ chức thành công đợt hiến máu tình nguyện với sự tham gia của gần 200 tình nguyện viên và 219 đơn vị máu nhưng vẫn bảo đảm công tác an toàn phòng dịch bệnh một cách nghiêm ngặt.
Sự hài lòng của người bệnh, những lá thư cảm ơn, những ánh mắt cảm động, lời cảm ơn nghẹn ngào của những trường hợp khó khăn khi được hỗ trợ luôn, những giọt máu hồng giúp người bệnh hồi sinh,…luôn là động lực cho người làm nghề công tác xã hội như chúng tôi. Để có được thành quả như ngày hôm nay, chúng tôi xin gửi lời tri ân đến ban giám đốc bệnh viện Hùng Vương, các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội đã tạo điều kiện và đồng hành với chúng tôi để tìm đến những hoàn cảnh éo le, đồng hành cùng họ, giúp họ vượt qua những nút thắt của cuộc đời. Đây chính là mục đích mang tính nhân văn là chúng tôi đang hướng tới, như lời của một bài hát "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng….".
Bình luận (0)