Bạn đọc Trần Nguyên P. (nam, 55 tuổi, huyện Hóc Môn, TP HCM), hỏi: Khoảng vài tháng gần đây tôi có gặp 3 cơn tim đập nhanh và cảm thấy đau khó chịu ở ngực trái, nhưng không phải nhồi máu cơ tim vì sau đó tôi khỏe lại. Nhưng tôi đọc đâu đó có nói về chứng "đau thắt ngực", không biết có phải tôi bị không? Mấy lần tôi bị đau ngực thì có 2 lần là sau khi leo cầu thang quá dài và nhanh, 1 lần khi tôi đang "nổi xung thiên". Nếu quả thật tôi bị chứng là "đau thắt ngực" thì không biết có nguy hiểm không, có gây trụy tim hay nhồi máu cơ tim không?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Theo như các triệu chứng mô tả, anh thường cảm nhận được tim đập nhanh, đau ngực trái khi gắng sức (leo cầu thanh dài và nhanh, tức giận…), giảm khi nghỉ ngơi, điều này nghĩ đến anh bị bệnh thiếu máu cơ tim.
Thiếu máu cơ tim là tình trạng cơ tim không được cung cấp đủ lượng máu nuôi cần thiết do tình trạng mảng xơ vữa làm hẹp lòng các nhánh động mạch vành (là động mạch cung cấp máu nuôi cơ tim).
Khi hoạt động gắng sức hay xúc động mạnh, tim sẽ đập nhanh, làm tăng nhu cầu máu nuôi cơ tim. Tuy nhiên động mạch vành bị hẹp do mảng xơ vữa, làm giảm lượng máu nuôi cơ tim. Vùng cơ tim bị thiếu máu nuôi biểu hiện triệu chứng đau thắt ngực khi gắng sức.
Nặng hơn, mảng xơ vữa bị bong ra hoặc huyết khối tạo lập thì sẽ làm tắc lòng các nhánh động mạch vành, vùng cơ tim không có máu nuôi sẽ hoại tử, gây bệnh cảnh nhồi máu cơ tim cấp. Nếu vùng cơ tim bị hoại tử lớn, sẽ gây choáng tim, có thể tử vong.
Anh có thể tự đánh giá ctheo phân loại của Hiệp hội Tim mạch Canada (CCS - Canadian Cardiovascular Society). Thiếu máu cơ tim được chia thành 4 mức độ, ở mức độ càng cao thì bệnh càng nguy hiểm và càng ảnh hưởng tới đời sống của người bệnh, cụ thể:
Độ 1: Ở mức độ này thì những hoạt động thể lực bình thường sẽ không thể gây đau thắt ngực, nó chỉ xuất hiện khi người bệnh hoạt động thể lực rất mạnh.
Độ 2: Cơn đau thắt ngực xuất hiện khi người bệnh leo cầu thang >1 tầng, hoặc đi bộ dài hơn 2 dãy nhà, cần hạn chế một số ít hoạt động thể lực bình thường.
Độ 3: Đau thắt ngực khi đi bộ dài từ 1 đến 2 dãy nhà hoặc leo cao, cần hạn chế đáng kể các hoạt động thể lực thông thường.
Độ 4: Đau thắt ngực ngay cả khi làm việc nhẹ, khi gắng sức nhẹ, các hoạt động thể lực bình thường cũng có thể gây ra các cơn đau.
Anh nên đi khám chuyên khoa tim mạch sớm để được khám, làm các xét nghiệm cần thiết như đo điện tâm đồ (điện tim), siêu âm tim, siêu âm tim gắng sức, chụp MSCT động mạch, chụp động mạch vành và đặt stent động mạch vành.
Bình luận (0)